(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.
Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nằm trên đầm nước tự nhiên với diện tích khoảng 110 ha, cách trung tâm TP Quảng Ngãi theo hướng đông bắc hơn 40 km.
Đây cũng là nơi đầu nguồn của con sông Suốt với chiều dài gần 5 km, uốn quanh theo các động cát, núi đồi giáp biển đổ ra cửa biển sông Đầm. Bàu Cá Cái được xem là rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Vào mùa thu, cây cóc rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng trông như tuyết phủ. Đặc biệt, nơi đây cũng là nhà của nhiều loại chim, cò, vịt nước và một số loại thủy hải sản... Nét lạ lẫm đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm.
Ông Nguyễn Khương (67 tuổi, ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận) đã gắn bó với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái hơn 30 năm. Nơi đây là điểm tựa giúp gia đình ông mưu sinh, nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện ông Khương là đội trưởng đội chèo thuyền chở du khách tham quan rừng ngập mặn Bàu Cá Cái.
“Tên gọi Bàu Cá Cái xuất phát từ chính đặc trưng của đầm nước mặn. Nó như tình mẫu tử thiêng liêng, che chở ôm ấp đàn con trong bụng, vừa là nơi sinh sản, trú ngụ cho các loài thủy sản ven biển”, ông Khương chia sẻ.
Ngoài rừng cây thiên nhiên lâu đời, nơi đây những năm qua được đầu tư Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Quảng Ngãi do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tài trợ.
Khu vực Bàu Cá Cái được quy hoạch trồng cây cóc trắng để làm rừng phòng hộ chắn sóng, cải thiện môi trường sinh thái mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân vùng ven biển.
Sau gần 10 năm với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước cùng người dân, hàng chục ha rừng ngập mặn nơi đây đã được “hồi sinh”. Cùng với sự chăm sóc, bảo vệ có trách nhiệm, Bàu Cá Cái đang từng ngày phát triển xanh tốt trở thành “lá phổi xanh” của cộng đồng người dân ven biển. Cũng nhờ vậy, môi trường sống của các loại thủy sản được khôi phục.
Người dân còn đầu tư nuôi thêm nhiều loại tôm cá tạo sinh kế ổn định cũng như nâng cao thu nhập.
“Du khách đến Bàu Cá Cái không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài, như Ấn Độ, Indonesia...”, ông Khương nói.
Theo lãnh đạo xã Bình Thuận, Bàu Cá Cái là một vùng đầm ngập mặn, rộng khoảng 200 ha. Bàu Cá Cái được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm, mang trong mình dấu tích xưa cũ. Nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất, giữa hoạt động sản xuất công nghiệp náo nhiệt nhưng Bàu Cá Cái vẫn giữ được sự bình yên, với vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên hiếm có, được người dân bảo vệ chăm sóc.
Được hội tụ cảnh đẹp của thiên nhiên đất trời, hòa quyện, con người nơi đây “chất phác, hiền hòa”, có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Nhiều năm qua, Bàu Cá Cái đã dần trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Nơi đây khá nổi tiếng với hàng triệu cây cóc trắng mọc trên đầm lầy tạo vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí
Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Nhờ có rừng cóc trắng che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể.