Ngăn chặn "Cái chết trắng" - Cuộc chiến của những anh hùng Kỳ 4: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy từ sớm, từ xa...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiệm vụ đặt ra với lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy (MT) cũng hết sức nặng nề. Cũng chính bởi vậy, chủ động nhận diện, phòng ngừa đấu tranh với tội phạm MT “từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát” luôn có ý nghĩa và được xem là “kim chỉ nam” hành động của lực lượng đấu tranh phòng, chống MT (PCMT). Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Tâm Hiếu - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về MT, Bộ Công an để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Đại tá Hoàng Tâm Hiếu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an.
Đại tá Hoàng Tâm Hiếu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an.

Cuộc chiến PCMT còn cam go và lâu dài. Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức trong công tác PC tội phạm MT trong giai đoạn hiện nay?

- Trong cuộc chiến PCMT hiện nay, chúng ta đứng trước rất nhiều thách thức. Thứ nhất, diện tích đất trồng cây thuốc phiện ở khu vực “Tam giác vàng” ngày càng tăng lên, theo quy mô từ 20 - 25%/năm. Thứ hai, tính liên kết giữa các thị trường MT rất cao. Thứ ba, 2 năm trở lại đây, chúng ta lại phải đối mặt với một thách thức rất đặc biệt, đó là việc trong khu vực “Trăng lưỡi liềm vàng” theo lệnh cấm vận của Taliban là giảm trồng cây thuốc phiện, do đó lượng thuốc phiện trồng trọt ở khu vực này giảm mạnh. Trong khi nguồn heroin vẫn đang ở mức cao, nguyên liệu lại giảm sẽ dẫn đến cầu heroin ở khu vực “Tam giác vàng” tăng lên. Do đó, các đối tượng tội phạm sẽ tìm mọi cách để đẩy lượng heroin từ khu vực “Tam giác vàng” qua các khu vực trung chuyển, thậm chí cả Việt Nam để đi đến các thị trường mà trước đây khu vực “Trăng lưỡi liềm vàng” vẫn chi phối.

Thứ tư, do bối cảnh về quản lý, quản trị của các cơ quan thực thi pháp luật của các nước trong khu vực, gần đây xuất hiện xu hướng các đối tượng tìm cách sản xuất MT tổng hợp ngoài khu vực “Tam giác vàng”. Điều này cũng gây áp lực, tạo ra nguy cơ rất lớn cho công tác PCMT. Khi mà MT tổng hợp được sản xuất ngoài khu vực “Tam giác vàng” thì khả năng cung cấp cho các thị trường rất thuận tiện, khả năng các đối tượng tiếp cận đến những nơi có nguồn cầu rất ngắn, rất đơn giản và tác hại của chúng vô cùng lớn.

Không chỉ vậy, số lượng người sử dụng MT vẫn không ngừng tăng lên. Theo báo cáo, số lượng này cỡ khoảng 292 triệu người và tăng trưởng liên tục từ 10 - 12% trong 10 năm trở lại đây. Do tác động của tình hình MT trong khu vực và quốc tế nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Cũng vì thế, công tác đấu tranh PCMT gian nan, vất vả hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt cũng như một chính sách PCMT mang tính chất thống nhất và đồng bộ.

Thêm vào đó, xu hướng sử dụng MT trên thế giới giờ mang tính đảo ngược. Trước đây, số lượng người sử dụng MT có nguồn gốc tự nhiên rất cao (chiếm tới 80 - 85%), nhưng 12 năm trở lại đây lại đảo chiều sang xu hướng sử dụng MT tổng hợp. Đáng lưu ý và nghiêm trọng hơn là sự trẻ hóa về đối tượng sử dụng, đặc biệt MT tổng hợp tác động rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là thiệt mạng do sử dụng MT quá liều gây ra.

Tóm lại, chúng ta đang đối mặt với những khó khăn, thách thức tứ bề trong công tác đấu tranh PCMT. Đứng trước những thách thức này, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và dành nguồn lực rất lớn cho hoạt động PCMT. Tuy nhiên, khó khăn, hệ lụy vẫn rất nhiều. Từ thực tế nguồn gốc xuất hiện, con đường, phương thức vận chuyển... chúng ta phải loại trừ loại tội phạm này “từ sớm, từ xa, thậm chí từ nơi xuất phát”.

“Ngăn chặn MT từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát” là một quan điểm vô cùng ý nghĩa và mang tầm chiến lược. Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương này?

- Có thể nói, đây là một chủ trương rất đúng đắn, kịp thời và mang tính chất chiến lược của lãnh đạo Bộ Công an. Nó thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tính chủ động của lực lượng CSĐT về PCMT, khi chúng ta đang phải giải quyết, đối phó với nguy cơ tội phạm MT xuyên quốc gia. Nếu như trước đây chỉ đối phó ở khu vực biên giới, quy mô nhỏ lẻ, đơn giản thì giờ đây chúng ta phải đối diện với các tổ chức tội phạm MT xuyên quốc gia. Đây không chỉ ở phạm vi quốc gia, khu vực mà là vấn đề của toàn nhân loại. Vì vậy, cần phải hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia, khu vực để cùng đấu tranh với tội phạm nguy hiểm này.

Thực tế, bao năm qua lực lượng CSĐT tội phạm về MT đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm MT. Vì thế, chúng tôi tiếp thu, quán triệt rất nhanh chủ trương đánh án “từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát”. Với sự chỉ đạo rốt ráo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm MT trong nhiều năm qua đã rất quan tâm đến việc chỉ đạo đánh án MT theo tinh thần trên, nhằm ngăn chặn nguy cơ thẩm lậu MT vào trong nước.

Thể chế những bước đi, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, nhiều năm qua lực lượng PCMT cũng với các lực lượng phòng, chống tội phạm khác của ngành đã tham mưu, kiến tạo, xây dựng nhiều cơ chế hợp tác quốc tế với khu vực và các nước, giúp chúng ta đảm đương, thực hiện được chỉ đạo “từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát”. Chúng ta cũng đã tham gia một cách đầy đủ và có trách nhiệm trong khuôn khổ hợp tác quốc tế chung của Liên hợp quốc về PCMT; Chúng ta cũng tham gia một cách toàn diện, có trách nhiệm, một cách sáng tạo các khuôn khổ hợp tác quốc tế về PCMT trong khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Tuấn Thanh lẩn trốn ở Thái Lan (Chuyên án 125T). (Ảnh: Huy Hà)

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Tuấn Thanh lẩn trốn ở Thái Lan (Chuyên án 125T). (Ảnh: Huy Hà)

Với đặc thù hiện nay của tội phạm MT: Tội phạm mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia, công tác hợp tác quốc tế là vô cùng quan trọng, nhằm chặt đứt những “chiếc vòi bạch tuộc” của MT, hoạt động này được Cục quán triệt, triển khai ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, chúng ta đã ký kết 32 Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế về PCMT, của Việt Nam với các nước, đối tác trong các cơ chế song phương và đa phương. Đây là những cơ sở quan trọng giúp chúng ta xác lập được những cơ chế trao đổi thông tin, hình thức hợp tác một cách hiệu quả để giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật các nước hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.

Hàng nghìn thông tin trong lĩnh vực PCMT đã được chúng tôi trao đổi, phối hợp với các lực lượng PCMT, cơ quan thực thi pháp luật các nước triển khai thực hiện, góp phần đấu tranh, ngăn chặn hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển MT xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí là các đường dây vận chuyển MT vào Việt Nam để đi nước thứ ba. Cộng đồng thực thi pháp luật về PCMT cũng đánh giá rất cao những nỗ lực, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của lực lượng PCMT Việt Nam. Nhiều thông tin được trao đổi tuy rất đơn giản, chưa rõ manh mối nhưng bằng ý chí, sự quyết tâm và bằng cả tính sáng tạo của những người tham gia hoạt động đấu tranh PCMT, chúng tôi đã đấu tranh và bóc gỡ được rất nhiều đường dây MT lớn được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Theo đó, chúng tôi luôn lấy phương châm đánh giá của mình, với chủ trương ngăn chặn “từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát” là một trong những trọng tâm công tác và là định hướng cho những người làm MT Việt Nam. Chúng tôi xác định rằng, chỉ khi nào chúng ta bám sát theo đúng chỉ đạo này và vươn tầm khu vực, thế giới, hợp tác chặt chẽ với bạn bè, thế giới và các cơ quan thực thi pháp luật các nước thì công tác đấu tranh PC tội phạm MT mới đạt được kết quả tốt và có tính toàn diện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an.

Chúng tôi đã kết nối, phối hợp với các nước trong khu vực, chính xác hơn là phối hợp tác chiến xuyên quốc gia phá những chuyên án vận chuyển, mua bán hàng tấn MT tại Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh của những người làm công tác MT. Đấu tranh với tội phạm bao giờ cũng gắn với một lĩnh vực pháp lý cụ thể. Trong nội địa, một điều luật chỉ có giá trị pháp lý với quốc gia đó, nhưng khi đẩy mạnh cái gọi là tác chiến xuyên quốc gia thì nó là một sự liên kết, phối hợp của nhiều hệ thống pháp lý, nhưng trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật nội địa để đặt mục tiêu: Hợp tác, đấu tranh tóm gọn bằng được các tên chủ mưu, cầm đầu mua bán trái phép MT trên toàn cầu.

Trước những thủ đoạn của tội phạm MT ngày càng tinh vi và xảo quyệt, đặc biệt dùng công nghệ cao để núp bóng, hoạt động, Cục CSĐT tội phạm về MT đã có những biện pháp nào để trấn áp, triệt phá thành công các vụ án, góp phần ngăn chặn “cái chết trắng”?

- Tội phạm bao giờ cũng sử dụng mọi thủ đoạn, quỷ kế nhằm đạt được mục tiêu của mình. Quá trình đấu tranh của chúng tôi vừa qua cho thấy một xu hướng của bọn tội phạm nổi lên là việc lợi dụng các tiến bộ của công nghệ, tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong không gian mạng, các kết nối mạng xã hội... để biến thành nơi, công cụ giúp các đối tượng phạm tội. Các đối tượng còn tổ chức thành các hội nhóm kín trên không gian mạng để quảng bá, giao dịch vận chuyển, mua bán MT. Đây cũng là nơi các đối tượng kết nối với nhau tổ chức chứa chấp, sử dụng MT...

Thực tế này gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho công tác đấu tranh PCMT. Tuy nhiên, với quyết tâm đấu tranh ngăn chặn đối tượng tội phạm một cách hiệu quả, toàn diện, đặc biệt được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã quan tâm đầu tư cho lực lượng PCMT những công cụ, trang thiết bị công nghệ tiên tiến và các giải pháp về đấu tranh với tội phạm MT trên không gian mạng một cách hiệu quả. Nhờ sự quan tâm đó, những năm gần đây, chúng tôi đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong đấu tranh với đối tượng tội phạm MT trên không gian mạng.

“Thông điệp mà tôi muốn nói ở đây là: Tội phạm cho dù hoạt động ở đâu, kể cả trên không gian mạng là nơi có tính ẩn danh rất cao cũng sẽ bị lực lượng đấu tranh PCMT triệt phá. Điều đó cũng khẳng định, không có nơi nào an toàn cho tội phạm” - ông Hoàng Tâm Hiếu nói.

Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Đón đọc Kỳ 5: Vang mãi bản hùng ca...!

Đọc thêm