Trước tình hình này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo quyết liệt các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt.
Hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, theo ngành hải quan thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Tổng cục Hải quan đang xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Giám sát quản lý C/O và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, thủ đoạn gian lận C/O thường thấy nhất là doanh nghiệp Việt Nam (gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến hoặc lắp ráp đơn giản chưa đáp ứng quy tắc C/O nhưng vẫn khai C/O Việt Nam; hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận C/O của Việt Nam hoặc giấy chứng nhận xuất khẩu.
Đây không phải là giấy chứng nhận xuất xứ nhưng có thể là cơ sở để doanh nghiệp làm giả C/O. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.