Vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (138/CP), từ năm 2016 - 2020, cả nước phát hiện xảy ra 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng phạm tội, lừa bán 2.956 nạn nhân. Hoạt động mua bán người ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu xảy ra trên tuyến biên giới trên đất liền, trong đó xảy ra nhiều nhất ở tuyến biên giới Việt - Trung chiếm tới 75% số vụ mua bán qua các tuyến biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia - Trung Quốc. Nạn nhân của mua bán người 90% là phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, còn xuất hiện cả tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) là nhóm dễ có nguy cơ bị mua bán cao với hơn 60% đối tượng mua bán người và nạn nhân mua bán người ở Việt Nam là người DTTS.
Con số này được Thạc sĩ Trương Thị Thúy Hà - Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống buôn bán người trong tình hình mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuối tháng 9/2023. Kết quả khảo sát để triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ ra rằng, mua bán người là một trong những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS ở các địa bàn dự án cần được quan tâm giải quyết.
Tham luận tại hội thảo về vấn đề truyền thông về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ, trẻ em DTTS khu vực biên giới Việt - Trung (trường hợp huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), bà Trương Thị Thúy Hà cho biết, Hà Giang là tỉnh có 272km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, chiếm gần 30% tổng chiều dài đường biên giới Việt - Trung của cả nước. Đây là nơi có các cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương sang Trung Quốc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp về mua bán người.
Với đặc thù dân số chủ yếu là người DTTS, nên các hoạt động truyền thông về mua bán người được thực hiện bằng tiếng phổ thông và tiếng của chính đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. “Ở đây cán bộ xã đa số đều biết tiếng của đồng bào, là người đồng bào nên đều tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào. Ví dụ ở xã Chiến Phố huyện Hoàng Su Phì có dân tộc Mông, Nùng là chính thì đều có cán bộ người dân tộc đó: cán bộ Hội Phụ nữ, Công an, Tư pháp đều là người dân tộc nên khi tuyên truyền ở địa bàn thôn/bản dân tộc nào thì cán bộ biết tiếng dân tộc đó sẽ đi trao đổi. Trong trường hợp không có cán bộ nói được tiếng của dân tộc đó, thì khi đi tuyên truyền chỗ nào không biết tiếng của đồng bào lại nhờ các chị Chi hội trưởng ở thôn/bản đó phiên dịch sang tiếng của đồng bào cho” - một cán bộ Hội Phụ nữ xã Chiến Phố cho biết.
“Khi truyền thông về mua bán người, cán bộ truyền thông được lựa chọn phần lớn là người biết tiếng của đồng bào để truyền thông trực tiếp bằng ngôn ngữ của đồng bào. Trong trường hợp cán bộ truyền thông không biết tiếng dân tộc đó thì sử dụng các Chi hội trưởng Hội phụ nữ, trưởng thôn/bản, đoàn thanh niên tại địa bàn đó phiên dịch sang tiếng đồng bào. Ngoài ra, các bản thông tin truyền thông về phòng, chống mua bán người cũng được thu bằng tiếng của các dân tộc để phát trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương nơi dân tộc đó sinh sống”, theo bà Hà.
Từ đó có thể thấy, vai trò của cán bộ Hội Phụ nữ trong việc phòng, chống mua bán người tại địa phương là rất quan trọng. Trao đổi với truyền thông vào tháng 8/2022, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Lai Châu cho biết, để ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành. “Trong nước, lực lượng chủ công biên phòng và công an, Chính phủ giao cho địa bàn biên giới, biển hải đảo nội địa, tuy nhiên Hội Phụ nữ, cơ quan truyền thông, ngành lao động và các đoàn thể khác đi kiểm tra nhiều địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, có như vậy mới có sự chuyển biến tích cực”, theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp.
Xây dựng thể chế, sửa đổi chính sách để hỗ trợ nạn nhân
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kim Nọi tuyên truyền cho hội viên nâng cao nhận thức, tránh bị trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. |
Một trong những vấn đề được các đại biểu thảo luận nhiều nhất tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống buôn bán người trong tình hình mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuối tháng 9/2023 là sự không tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, cũng như sự thiếu liên thông giữa các bộ luật, nghị định về phòng, chống buôn bán người.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương thì “cái khó nhất khi chúng tôi làm Bộ luật Hình sự là chọn tên tội, vì tiếng Việt không có từ tương ứng. Tiếng Việt chỉ có hai từ buôn bán và mua bán. Buôn bán hay mua bán thì phải dính đến tiền. Ở Việt Nam, hành vi nào nhằm lấy tiền, nhận tiền mới là tội. Quốc tế thì không cần như thế”.
Hiện nay, mô hình Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những mô hình thể hiện rõ vai trò tích cực trong giúp đỡ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, là địa chỉ tin cậy đối với các nạn nhân. Sau 15 năm hoạt động, Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ hơn 25.000 lượt phụ nữ bị bạo lực, buôn bán, gần 1.600 bị buôn bán tạm lánh ở Ngôi nhà bình yên, họ nhận được dịch vụ tư vấn tâm lý, đào tạo nghề và pháp lý để quay trở lại cuộc sống bình thường. Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm và phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, để hỗ trợ phụ nữ phòng tránh được buôn bán người, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tuyên truyền cho các chị em phụ nữ hiểu sử dụng công nghệ số an toàn, di cư an toàn và hợp pháp; hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, tạo sinh kế, kết nối tạo việc làm cho chị em ngay tại địa phương để tránh tình trạng di cư ra các đô thị và ra nước ngoài; phối hợp liên ngành trong cung cấp thông tin, hỗ trợ chị em bị buôn bán một cách kịp thời nhanh nhất, để các chị em cảm thấy yên tâm. Do đó, các Bộ, ngành cần chung tay, cùng có tiếng nói để xây dựng thể chế, sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân.
Vấn đề thứ hai mà ông Độ đặt ra là nguyên tắc không xử lý nạn nhân. Nhưng ở Việt Nam lại làm khác. Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Vân - cán bộ chương trình Asean-Act (phòng, chống buôn bán người tại Việt Nam) cho biết, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người cũng khuyến nghị không xử phạt hành chính và hình sự với những hành vi vi phạm pháp luật mà nạn nhân phải thực hiện trong tình trạng là nạn nhân. Việt Nam chưa luật hoá nguyên tắc này nên một số nạn nhân chưa được xác định có thể vẫn bị xử lý hành chính. Một vấn đề khác, theo luật của Việt Nam, hành vi vận chuyển, tuyển mộ, có chuyển giao và tiếp nhận mới bị xử lý về hành vi mua bán người, còn nếu không có hành vi chuyển giao, tiếp nhận thì không bị xử lý....
Một vấn đề nữa cũng được quan tâm là hỗ trợ nạn nhân hoà nhập, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Như Trang - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, một trưởng thôn 44 tuổi đã chia sẻ với nghiên cứu viên rằng: “Khi họ (nạn nhân) trở về cộng đồng như vậy (được giải cứu về), mọi người trong cộng đồng sẽ không tin họ nữa. Mọi người không bao giờ tin những người như vậy. Kể cả họ có là người tốt, nhưng sau khi (họ đã bỏ cộng đồng đi) như vậy thì mọi người cho rằng sự trở về của họ sẽ có tác động tiêu cực lên các thành viên khác”.
Theo bà Trang, sự kỳ thị đôi khi xuất hiện vì chính những người trong cộng đồng chưa hiểu hết hoặc chưa biết cách hỗ trợ nạn nhân. “Có nạn nhân khi đang chia sẻ cho chúng tôi đã bật khóc. Chúng tôi không hiểu tại sao. Sau đó, cô ấy mới giải thích rằng cô chưa bao giờ được mọi người lắng nghe và động viên như cách mà chúng tôi đang làm” - bà Trang cho biết. Vì thế, PGS.TS. Nguyễn Thị Như Trang nhấn mạnh yếu tố văn hoá và tâm lý cộng đồng rất quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập. Việc hỗ trợ nạn nhân không chỉ nên dừng lại ở những cung cấp thiết thực cho cuộc sống hàng ngày để họ có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, mà còn nên giúp nạn nhân cảm thấy họ được quan tâm và được tôn trọng, từ đó thúc đẩy sự tự tin và quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ.
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự đối với thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Trong đó có nội dung đáng lưu ý là Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định mới về tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài và quy định tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam.