Vì sao nạn mua bán người gia tăng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người đã được đề cập tại buổi tổng kết dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch COVID-19” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái vừa tổ chức.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…

Dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch COVID-19” triển khai tại hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái trong thời gian từ 1/11/2021 tới 31/10/2022.

Về nguyên nhân khiến tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, bà Hoàng Phương Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái nhận định: “Qua các nghiên cứu và thực tiễn rút ra từ hoạt động của dự án Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch COVID-19, các thông tin ghi nhận chỉ ra rằng người dân địa phương trở nên dễ bị tổn thương hơn trước nạn mua bán người do ảnh hưởng từ những áp lực kinh tế, nhu cầu tìm kiếm việc làm và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình và tảo hôn”.

Kết quả của dự án cho thấy, với 21 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, hình thức mua bán người cũng như những kênh liên hệ hỗ trợ, đã có 30.000 người tại 46/46 thôn bản được tiếp cận thông tin. Thông qua chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, các thông điệp về phòng chống mua bán người cũng đã tác động được 19.759 người.

Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về vượt qua đại dịch COVID-19”, các hoạt động được thiết kế dựa trên các cân nhắc kỹ lưỡng về sang chấn tâm lý của nạn nhân bị mua bán và được triển khai theo phương pháp tiếp cận hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, hướng tới hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vượt qua tổn thương để được hàn gắn và phục hồi.

Tính đến hết tháng 10, dự án đã thực hiện hỗ trợ 20 nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán được xác định và đề xuất bởi các thành viên của nhóm phản ứng nhanh. Các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, sinh kế, sơ cứu tâm lý, giáo dục, nhu cầu thiết yếu được cung cấp theo đúng nhu cầu và đề xuất của nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111) do Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH quản lý, vận hành cho biết, từ tháng 10/2013 khi Đường dây tư vấn bắt đầu hoạt động đến nay là tháng 10/2022 đã tiếp nhận 24.651 cuộc gọi, gồm cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người; tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 527 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 577 nạn nhân. 9 tháng đầu năm 2022 đã tiếp nhận 1.926 cuộc gọi (1.354 cuộc gọi cung cấp thông tin, 476 cuộc gọi tư vấn, 96 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 110 nạn nhân).

Theo đại diện Đường dây tư vấn, những khó khăn, tồn tại hiện nay là: nhận thức của người dân còn hạn chế, dễ dàng tin tưởng vào những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội; việc giải cứu các nạn nhân cần đợi Công an tiến hành các thủ tục xác minh nên mất nhiều thời gian khiến các gia đình sốt ruột và lo lắng về sự an toàn của người thân nên đã tự thỏa thuận và đáp ứng yêu cầu của thủ phạm để nạn nhân được trở về; trong quá trình chuyển tuyến còn vướng ở khâu các chính sách hiện hành, mức hỗ trợ, cán bộ địa phương, các dịch vụ hỗ trợ, các ca ở nước ngoài - mạng lưới kết nối ở nước ngoài; bản thân nạn nhân và gia đình họ...; việc duy trì các hoạt động từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế vì thiếu nguồn lực cho duy trì hoạt động mạng lưới, truyền thông…

Đọc thêm