Hôm nay – 12/12, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về thi hành quy định phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, việc quan trọng là cần có giải pháp cụ thể để triển khai và phát huy hiệu quả của các quy định pháp luật về PCTN trong khu vực tư |
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu rõ, nạn tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và đã tiến hành nhiều biện pháp PCTN cụ thể với những kết quả nhất định. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Liêm cũng chỉ ra, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Nhiều giải pháp để thi hành các quy định của pháp luật PCTN trong khu vực tư |
Bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam dẫn số liệu về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 cho biết, trên 50% DN được khảo sát thừa nhận đã phải trả các chi phí không chính thức. Đa số các DN nhỏ được hỏi đều thừa nhận “dễ làm ăn hơn nếu “lót tay”.
Khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và một số tổ chức cho thấy, mỗi năm thế giới mất 2,6 nghìn tỷ USD vì tham nhũng, 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới đạng dưa hối lộ; 5 năm qua chỉ số cảm nhận tham nhũng tại nhiều quốc gia chưa được cải thiện.
“Thực tiễn hiện nay, tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là PCTN trong khu vực tư “ – Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và ngày 01/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018.
Một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định trên được dư luận rất quan tâm đó là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội.
Đồng thời, Luật cũng khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của các hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thông qua nỗ lực tuyên truyền của VCCI, nhận thức của DN, nhất là DN vừa và nhỏ, về tác hại của tham nhũng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao rất nhiều, góp phần cải thiện nhiều chỉ số trong việc đảm bảo liêm chính, minh bạch ở khu vực tư.
Với các qui định của pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, việc quan trọng là cần có giải pháp cụ thể để triển khai và phát huy hiệu quả của các quy định pháp luật này.
Bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, “Việc thực hiện pháp luật đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía Chính phủ mà còn từ phía doanh nghiệp. DN cần đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc thực hiện pháp luật và quy định, đồng thời phải đảm bảo thúc đẩy công bằng, bao trùm, liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính hoạt động kinh doanh của mình”.
Theo bà Catherine Phuong, DN liêm chính sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn. Thực tiễn, nhiều nhân viên của công ty đa quốc gia là người Việt Nam có năng lực cho biết, họ muốn làm việc tại các công ty đa quốc gia vì họ không muốn phải đối mặt với những “khúc mắc” làm giảm tính liêm chính trong hoạt động của DN.