Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hải Lăng 'tiếp sức' người hoàn lương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng rất nhân văn của Đảng và Nhà nước nên quá trình tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời mới của những người từng lầm lỡ bây giờ không còn đơn độc", ông Lê Quang Lực (Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ.
Sản phẩm mộc dân dụng của anh T được nhiều người đánh giá chất lượng tốt, giá thành rẻ
Sản phẩm mộc dân dụng của anh T được nhiều người đánh giá chất lượng tốt, giá thành rẻ

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những “điểm tựa”, giúp người hoàn lương có điều kiện vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới. Ngân hàng CSXH Hải Lăng đã và đang nỗ lực triển khai, thực hiện hiệu quả, hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổ trưởng kế hoạch- Nghiệp vụ NHCS huyện Hải Lăng giới thiệu về xưởng mộc dân dụng của anh Mai Văn T, xã Hải An - nơi đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động. Điều đặc biệt, chủ xưởng mộc là người từng chấp hành án phạt tù 7 năm 6 tháng do trước đó trót lầm lỡ, phạm tội về ma túy. Bây giờ, anh say sưa, chăm chỉ bên những chiếc máy cưa, máy đang hoạt động hết công suất.

Anh T kể trong tiếng máy cưa nghe rộn rã: “Cách đây 6 tháng, tôi được trở về với gia đình, cộng đồng trước thời hạn; chiếc “phao cứu sinh” xuất hiện, khi tôi được tiếp cận và được Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng cho vay 100 triệu đồng. Có số vốn này tôi quyết định mở xưởng mộc dân dụng tại địa phương. Do đã có nghề, bản thân tôi tự tin sử dụng toàn bộ số tiền vay được mua 1 máy cưa lớn, 14 máy cưa nhỏ, 3 máy bào. Bây giờ, cuộc sống đã tạm ổn; tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước”.

Đoàn công tác Bộ công an kiểm tra đối tượng chấp hành án, phạt tù

Đoàn công tác Bộ công an kiểm tra đối tượng chấp hành án, phạt tù

Ông Mai Văn Vy, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đông Tân An, xã Hải An, xác nhận, 3 lao động làm cho anh T thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Những mùa Tết hoặc những lúc có đơn hàng lớn, phải làm tăng ca ban đêm thì thu nhập mỗi lao động dao động 8-10 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Văn L thuộc tổ tiết kiệm và vay vốn Phan Văn Cừu ở thôn Tây Tân An, xã Hải An, cũng được tạo điều kiện như thế. Anh L chấp hành xong hình phạt tù 12 tháng cũng vay 100 triệu đồng để cải tạo lại quán mở rộng dịch vụ ăn uống; hiện vừa có thu nhập ổn định, vừa có điều kiện gần gũi, chăm sóc vợ và 1 đứa con nhỏ.

Tương tự, anh Võ Văn M (ở xã Hải Chánh), sau khi chấp hành xong bản án 10 năm vào ngày 12/6/2024, đã được làm thủ tục cho vay 50 triệu đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp quán bánh ướt.

Mô hình quán ăn của anh M

Mô hình quán ăn của anh M

"Hướng kinh doanh này là khả quan, đủ để nuôi sống vợ cùng 2 con nhỏ. Nhà nước đã tạo điều kiện để những người trót lầm lỡ có vốn liếng, cơ hội để ổn định lại cuộc sống, phát triển kinh tế thì chúng tôi cũng cố gắng để xây dựng cuộc sống, làm người có ích, đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của địa phương”, anh M tâm sự.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng, ông Lê Quang Lực cho biết: Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Ngân hàng CSXH triển khai về địa phương. Theo đó, Công an huyện Hải Lăng đã cung cấp cho Ngân hàng CSXH huyện danh sách 100 người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian từ năm 2019 đến nay. Hai đơn vị đều thông báo về công an cơ sở để tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân. Từ những nguồn thông tin này, đối tượng khách hàng vừa nêu có thể dễ dàng tiếp cận để được tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành, cho vay vốn với mức tối đa 100 triệu đồng để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Đọc thêm