Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng một số ngân hàng đang âm thầm giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, doanh nghiệp than phiền giờ ngân hàng có cho vay vốn cũng chẳng biết vay để làm gì…
|
Nhiều ngân hàng đang âm thầm giảm lãi suất huy động. Ảnh minh họa: Trần Việt |
Giảm lãi suất huy động
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh khá mạnh lãi suất huy động VND - giảm 1%/năm so với trước đó ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên, từ mức 10,5%/năm trước đó xuống còn 9,5%/năm. Riêng các kỳ hạn ngắn, hiện bị áp trần tối đa là 8%/năm, Vietcombank cũng giảm nhẹ 0,5%/năm ở các kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng, còn 7,5%/năm. Hai kỳ hạn 6 và 9 tháng vẫn giữ nguyên 8%/năm.
Lần trước đó, Vietcombank giảm lãi suất từ ngày 24/12/2012 theo nhịp điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đây là lần giảm lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ đầu năm 2013, và giảm theo kế hoạch riêng của ngân hàng. Mức giảm chủ động trên của Vietcombank là khá mạnh, so với những điều chỉnh nhẹ nhàng ở các ngân hàng khác như ACB, Eximbank… Một ngân hàng lớn khác là BIDV cũng đã áp mức lãi suất huy động VND cao nhất từ cuối năm 2012 đến nay chỉ là 9,5%/năm.
Trên thị trường ngân hàng, hiện chỉ có một vài ngân hàng nhỏ còn duy trì mức lãi suất huy động VND từ 11,5 - 12%/năm, còn lại phổ biến chỉ từ 10 - 11%/năm. Giám đốc một phòng giao dịch Vietinbank chia sẻ với Pháp luật Việt Nam rằng, khi ngân hàng đối mặt với tình trạng ứ đọng vốn mà khó đẩy mạnh cho vay, thì việc giảm dần lãi suất huy động sẽ là một xu hướng tất yếu.
“Không biết vay để làm gì”
Trong khi đó, ở một hướng khác, lượng vốn đang có xu hướng ứ đọng trong ngân hàng mà khó “đẩy” ra, do kinh tế đang khó khăn và DN chưa tìm được lối thoát khả dĩ cho sản xuất kinh doanh của mình.
Trong những buổi làm việc mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với các DN miền Trung, ông Nguyễn Nị, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất nói, nhiều năm nay, BIDV và Vietcombank đã cho DN vay với lãi suất 12%/năm là tương đối thấp so với thị trường nhưng vẫn còn cao và khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Còn ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi cũng cho rằng, hiện lãi suất tiền vay đã được Ngân hàng Nhà nước khống chế nhưng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Còn đại diện một DN ở Đà Nẵng thì ví von, lãi suất ngân hàng từ đầu năm đến nay cũng giống như mâm cỗ đã dọn ra, đồ ăn đầy đủ nhưng chẳng mấy ai ăn được, vì ngân hàng dù rất sẵn sàng cho vay lãi suất thấp nhưng sức khỏe doanh nghiệp đã kiệt, thị trường đầu ra thì tồn kho cao, vay tiền không biết để làm gì.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ với DN, việc xử lý bài toán phục hồi sức sản xuất của DN phải kèm theo nhiều nhóm giải pháp, nhưng Chính phủ đã xác định, tiền tệ là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm. Theo đó, để làm được điều này thì phải giải quyết hai vấn đề cơ bản: nợ xấu và nỗ lực đưa lãi suất tiền vay về mức 13%/năm ngay trong 2013.
Liên quan đến việc hạ lãi suất tiền vay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, dư địa để giảm lãi suất tiền gửi nhằm làm cơ sở giảm lãi suất tiền vay là không còn nhiều, và nếu có, chỉ có thể giảm thêm 1%, tương ứng mỗi quý giảm 0,25%. Vì vậy, mong muốn giảm lãi suất tiền vay trong 2013 chỉ có thể trông chờ vào các tổ chức tín dụng.
“Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra sự dồi dào thanh khoản và lãi suất “dễ chịu” trên trên hệ thống. Với những nỗ lực này, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi toàn ngành nêu cao quyết tâm chính trị, phấn đấu đưa lãi suất tiền gửi về dưới 8%/năm và tiền vay trong khoảng 13%/năm” – Thống đốc Bình nói – “Những ngân hàng nào muốn giữ được khách hàng thì hãy nên nhanh chóng giảm lãi vay, còn khi thị trường hồi phục mới chịu giảm thì chắc chắn thị phần sẽ bị hao hụt”.
Lê Minh