Hiện tại nhiều ngân hàng thương mại cho vay không qúa 14%/năm, như vậy là đã hạ nhiều. Tuy nhiên, dù lãi suất hạ thế chứ hạ thêm nữa thì vào thời điểm này, lợi nhuận thu được chỉ xấp xỉ với lãi suất ngân hàng, nên doanh nghiệp không hào hứng vay…
Thị trường đầu ra ế ẩm nên nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng và không có nhu cầu vay vốn. Ảnh: M.H. |
Tăng trưởng tín dụng nhóm lĩnh vực ưu tiên
Theo bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm, tín dụng đã từ tháng 6 tăng trở lại. Dữ liệu cập nhật cho thấy, tính đến 25/9/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 2,56% so với cuối năm 2011.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp như vậy, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng tích cực khi cơ cấu đã có sự dịch chuyển tập trung cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2012, tín dụng xuất khẩu đã tăng 10,76% so với cuối năm 2011; tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 3,82%; tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng 7,15%. Nhóm lĩnh vực này đều có tốc độ cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của hệ thống.
Trong khi đó, tín dụng “phi sản xuất” dành cho tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản lại giảm 1,1% - chiếm tỷ trọng 14,21% trong tổng dư nợ, giảm 0,49% so với tỷ trọng 14,7% của cuối năm 2011. Cụ thể, tính đến 31/8/2012 so với cuối năm 2011, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 3,43%; dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng nhẹ 0,44%; dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 2,22%. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng các nhóm này đều thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn hệ thống.
“Trong nhóm các lĩnh vực ưu tiên, chỉ có tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng hạn chế do khả năng thích ứng của đối tượng này với nền kinh tế còn kém”, bà Đỗ Thị Nhung cho biết.
Đối với những khoản cho vay cũ, bà Nhung cho hay, “đến nay, dư nợ các khoản vay lãi suất dưới 15% chiếm tỷ trọng khoảng 90%”.
Ngân hàng “đãi” khách
Trong khi đó, ghi nhận trên thị trường TP HCM cho thấy, vào thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đang dư tiền cho vay và rất cần khách hàng. Để có khách hàng, các gói khuyến mại, kích cầu dành cho người đi vay liên tục được các ngân hàng thay đổi, hình thức phổ biến dành cho người đi vay là giảm lãi suất, thủ tục vay vốn đơn giản, khuyến mại quà tặng, nhiều ngân hàng còn cho vay không cần thế chấp tài sản.
Ngân hàng Hong Leong Việt Nam đang áp dụng lãi suất 0.88%/năm trong 3 tháng đầu tiên, từ ngày 12/9 đến 11/12/2012, sau ba tháng lãi suất sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường. Trung tuần tháng 10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cùng với 4 ngân hàng ký hợp đồng tín dụng gần 217 tỷ đồng cho 19 doanh nghiệp vừa và nhỏ của quận Tân Bình vay ưu đãi, trong đó Sacombank hỗ trợ 10 doanh nghiệp 100 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm.
Hơn bao giờ hết ngân hàng đang cần khách hàng để cho vay, tuy nhiên lãi suất giảm rồi nhưng vay được vốn rẻ hay không còn phụ thuộc vào tiềm lực của người đi vay. Bà Trần Thúy Liễu, Giám đốc Công ty May mặc Bình An (quận Tân Phú) cho biết, trước đây doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất 20-23%/năm, hiện tại nhiều ngân hàng thương mại cho vay không qúa 14%/năm, như vậy là hạ nhiều rồi.
Tuy nhiên, dù lãi suất hạ thế chứ hạ thêm nữa thì vào thời điểm này lợi nhuận thu được chỉ xấp xỉ với lãi suất ngân hàng, không có lãi nên doanh nghiệp không hào hứng vay…. “Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn dùng vào sản xuất kinh doanh có lãi, có lẽ lãi suất chỉ tính khoảng 7-8%/năm là phù hợp”, bà Liễu nhìn nhận.
Ông Mai Thức Hào, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Mai Tường Lâm (quận Bình Tân) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM hiện thật sự rất cần vốn để sản xuất nhưng với mức lãi suất hiện nay mà các ngân hàng thương mại áp dụng thì rất ít doanh nghiệp đủ khả năng đi vay.
Để cứu doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn như hiện nay, đồng thời cũng là để cứu ngân hàng, có lẽ lãi suất nên tiếp tục giảm, chí ít là từ 3-4% dành cho lĩnh vực sản xuất, được vậy các ngân hàng không cần mất công “truy tìm” khách hàng mà khách hàng sẽ tự tìm đến ngân hàng.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lãi suất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, phù hợp với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý…, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lãi suất. Đặc biệt, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Thống đốc NHNN. Các tổ chức tín dụng phải tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu gia tăng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua dự phòng rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo và các hình thức xử lý nợ xấu khác theo quy định của pháp luật; không được lợi dụng các quy định về cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấy hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng. Bách Linh |
Mị Na - Hoàng Thủy