Ngân hàng nhà nước cũng tăng giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khoảng 30 phiên giữ nguyên giá bán, hôm qua (18/7/2024) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng giá lần đầu tiên (với mức tăng hơn 3 triệu/lượng) kể từ khi chính thức tham gia điều tiết thị trường vàng nhằm kéo giảm mức chênh lệch giữa vàng trong nước với giá vàng thế giới.
Giá vàng nhẫn có lúc vượt giá vàng miếng SJC.
Giá vàng nhẫn có lúc vượt giá vàng miếng SJC.

10h sáng 18/7, NHNN đã thông báo, giá bán vàng miếng SJC cho các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC là 79 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá bán ra cho khách hàng sẽ ở mức 80 triệu đồng/lượng. Mức giá này được đưa ra trong bối cảnh giá vàng thế giới đã lập đỉnh thứ 3 với mức giá trên 2.465 USD/ounce (tương đương hơn 76,3 triệu đồng/lượng).

Thực tế, ngay đầu giờ sáng, SJC đã niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 80 triệu đồng/lượng bán ra, mua vào ở mức 78,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là lần đầu tiên SJC niêm yết chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức thấp 1,5 triệu đồng/lượng khi có sự biến động của giá vàng thế giới. Thông thường, mỗi khi giá vàng thế giới biến động mạnh, mức chênh lệch thường lên tới từ trên 2 - 3 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, ngay từ ngày 17/7 (trước ngày NHNN điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC), giá vàng nhẫn được giao dịch tại 76 - 77,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), có thời điểm vượt cả giá vàng miếng SJC, lên đến trên 78 triệu đồng/lượng. Trong suốt giai đoạn trước tháng 6, vàng miếng SJC luôn đắt hơn vàng nhẫn 17 - 18 triệu đồng/lượng. Cũng giai đoạn trước tháng 6, giá vàng miếng SJC chênh lệch từ trên 10 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Nhưng với mức giá đang bán ra thị trường hiện nay (80 triệu đồng/lượng), mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đang ở mức trên 3 triệu đồng/lượng.

Khảo sát của PLVN cho thấy, đầu giờ sáng qua, các cửa hàng vàng lại tấp nập khách hàng, nhiều cửa hàng thông báo dừng tiếp nhận khách mới chỉ sau 50 phút mở cửa. Các giao dịch vẫn chủ yếu xoay quanh mua bán vàng nhẫn, vàng miếng chỉ mua vào, không có hàng để bán ra. Tại các ngân hàng thương mại, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường do các khách đến mua đều là đã đặt được trực tuyến mới đến giao dịch. Nhưng nhiều khách hàng cũng cho biết, chỉ sau 10 phút mở bán trực tuyến là đã hết “slot” mua vàng.

Đáng chú ý, một chủ cửa hàng vàng ở quận Thanh Xuân cho biết, do diễn biến giá vàng thế giới đang theo chiều hướng bất lợi nên một số thương hiệu bán vàng lớn đã thông báo “dừng bán vàng nhẫn”. Thậm chí, vị này cho rằng, giá niêm yết hiện tại của các thương hiệu lớn “chỉ để làm cảnh” vì khả năng cũng không có nhiều hàng để bán. Trên một group dành cho các khách hàng của một cửa hàng vàng ở quận Hai Bà Trưng, chủ cửa hàng cũng liên tục thông báo “hết hàng” ngay khi thông báo giá bán vàng nhẫn.

Chủ cửa hàng trên quận Hai Bà Trưng cho biết, trong khoảng 20 năm kinh doanh vàng, chưa khi nào vị này thấy thị trường vàng lạ lùng như giai đoạn gần đây. Bởi chưa khi nào giá vàng nhẫn và vàng miếng gần nhau như thế này, cũng chưa từng chứng kiến giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng. Thậm chí, có thời điểm giá vàng nguyên liệu còn ngang giá vàng nhẫn. Do đó, ông chủ này vẫn đưa ra lời khuyên cho khách hàng của mình “bình tĩnh lựa chọn thương hiệu vàng phù hợp” để không bị chênh giá quá cao giữa các thương hiệu. Bởi xét cho cùng, khách hàng mua vàng cũng để “bảo toàn dòng tiền” nên lựa chọn mua các thương hiệu có sự chênh lệch mua vào - bán ra ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, dù diễn biến thị trường đang có chiều hướng bất lợi nhưng mục tiêu kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới đã đạt được. NHNN buộc phải tăng giá vàng vì giá thế giới diễn tiến tăng khá nhanh. Chỉ trong vòng 1 tuần, giá thế giới đã tăng trên 100 USD/ounce, khiến diễn biến giá vàng trong nước cũng phải tăng theo. Và để thị trường vàng ổn định trở lại, theo các chuyên gia, vấn đề vẫn là cần các chính sách khác, để dòng tiền dành cho vàng được lưu thông trên thị trường, thay vì “cất giữ, bảo toàn” như hiện nay.

Đọc thêm