Cần có đánh giá đúng mới “hạ nhiệt” được thị trường vàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá vàng miếng SJC ổn định trong vòng 3 tuần qua, một số người dân đăng ký mua vàng miếng trực tuyến nhưng lại không mua... khiến nhiều người tin rằng thị trường vàng đã “hạ nhiệt”...
Khách đăng ký mua vàng online, nhận tại quầy giao dịch Agribank. (Ảnh: Bình An)
Khách đăng ký mua vàng online, nhận tại quầy giao dịch Agribank. (Ảnh: Bình An)

Nhu cầu mua vàng đã giảm?

Giá vàng thế giới hôm qua (3/7/2024) đã tăng trở lại do đồng USD biến động khó lường. Nhưng giá vàng miếng SJC vẫn ở ngưỡng gần 77 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì giá bán ra cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ 19 liên tiếp giá vàng miếng SJC được các ngân hàng thương mại bán ra giữ nguyên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.

Kể từ ngày các ngân hàng thương mại chính thức triển khai đăng ký mua vàng miếng trực tuyến, tình trạng xếp hàng đông người tại các điểm bán vàng đã không xảy ra. Đáng chú ý, đại diện một ngân hàng bán vàng cho biết sức mua vàng miếng SJC của người dân có dấu hiệu giảm dần. Một số khách hàng đã đăng ký mua vàng thành công nhưng sau đó không đến giao dịch.

Tại các cửa hàng kinh doanh tư nhân cũng không còn tình trạng người dân mua vàng. Thỉnh thoảng vẫn có các giao dịch nhưng đa phần là mua các loại vàng trang sức. Đại diện cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (vốn được mệnh danh là phố vàng ở Hà Nội) cho biết, hàng ngày, cửa hàng vẫn đón lượng khách nhất định, có người đến hỏi mua vàng nhẫn nhưng cũng chỉ hỏi để đấy vì hiện giờ giá vàng nhẫn đã “tiệm cận” giá vàng miếng của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, “sóng ngầm” thị trường vàng vẫn hiện hữu. Trên nhiều group (nhóm) của các cửa hàng vàng, mặc dù không thông báo về giá vàng miếng nhưng các loại vàng nữ trang vẫn có “sức hút” khi các thông báo “giảm giá so với niêm yết” được đưa ra dù mức giá giảm không đáng kể. Tại các group này, giá các loại vàng nhẫn, vàng nữ trang được thông báo mỗi ngày và cũng chỉ sau chừng vài tiếng, trưởng nhóm đã thông báo “hết vàng nên thu hồi thông báo giá”.

Trên nhiều diễn đàn về mua bán vàng, vẫn có nhiều chủ tài khoản thông báo “bán vàng miếng SJC” với mức giá chênh lệch từ trên 3 triệu/lượng cùng với hóa đơn mua từ các ngân hàng thương mại nhà nước để xác thực với người mua. Dù số người bán, người mua trên các diễn đàn chỉ lẻ tẻ nhưng có thể nói, nhu cầu mua vàng miếng trong dân vẫn khá lớn.

“Hạ nhiệt” bằng cách nào?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sách nhằm “hạ nhiệt” thị trường vàng, kéo giảm mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới với trong nước “có thể nói đã thành công”. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả lâu dài của chính sách này cần một cái nhìn toàn diện hơn về các tác động trực tiếp và tiềm ẩn. Bởi mặc dù việc duy trì giá vàng ổn định trong 3 tuần qua có thể giúp Nhà nước kiểm soát tốt thị trường vàng, cũng góp phần hạn chế đầu cơ, thao túng giá và ổn định kinh tế trong thời kỳ biến động. Nhưng cũng thừa nhận chính sách này có một số hạn chế như việc “ấn định giá” có thể khiến giao dịch vàng không phản ánh chính xác giá trị thực của thị trường, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của thị trường “chợ đen” và các giao dịch không chính thức.

Do đó, chính sách về vàng cần hướng tới sự cân bằng, tăng cường minh bạch trong giao dịch vàng bằng cách công khai thông tin về cung - cầu và điều chỉnh giá cả một cách linh hoạt, phản ánh chính xác các diễn biến của thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp giảm bớt chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời nên duy trì giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi đầu cơ và thao túng giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để “hạ nhiệt” thị trường vàng một cách thực thụ, phải có chính sách hợp lý, trong đó phải thông qua các số liệu phân tích để biết được vấn đề thực sự ở đâu. Ông Lâm ví dụ, hiện nay, lãi suất huy động đang ở mức thấp do chủ trương giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo ông Lâm, vấn đề hiện nay của DN không phải là vốn. Khó khăn thực sự với họ là ở “đầu ra”.

Dẫn kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong quý II/2024 của Tổng cục Thống kê, ông Lâm nhấn mạnh “phần lớn các DN đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra. Trong khó khăn về đầu ra thì “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố được cho là ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”. Do đó, nếu cứ dùng giải pháp lãi suất để phục hồi kinh tế “chưa chắc đã chính xác”. Bởi, khi xác định vốn là vấn đề lớn nhất của DN thì các điều chỉnh sẽ xoay quanh vấn đề này và việc đầu tiên là phải hạ lãi suất huy động.

Ông Lâm đánh giá, chính sách hạ lãi suất huy động đã kéo khá dài, hạ nhiều đến mức đã xuất hiện mức lãi suất huy động thấp nhất trong vòng 20 năm nay. Người dân thấy gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất thấp là không thỏa đáng nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường trái phiếu, thị trường tín phiếu, thị trường bất động sản cũng đang trì trệ nên người dân rút tiền đi mua vàng. Đây chính là điều khiến cho thị trường vàng “nóng” lên, bên cạnh yếu tố tác động từ thị trường thế giới.