Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch "chặn" lạm phát

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh

Đến cuối năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% so với cuối năm 2011, tuy cao hơn mức định hướng đề ra từ đầu năm nhưng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.

Điều hành lãi suất đã định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với cuối năm 2011.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5-9%/năm so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất vào cuối năm 2007. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 9-12%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9-11%/năm.

Các giải pháp tín dụng được điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực phù hợp với chủ trương chống đô la hóa và tập trung vốn vào hoạt động sản xuất -kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó, tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Hệ thống ngân hàng quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (về chi phí vay vốn và khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng). Tín dụng mặc dù tăng trưởng thấp nhưng đã tăng dần trở lại qua các tháng; tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm đã giảm mạnh từ mức 65,8% trước ngày 15/7/2012 xuống còn 19,2% vào cuối năm 2012.

Các tổ chức tín dụng đã chủ động phối hợp với khách hàng vay rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.

Năm 2013, tín dụng tăng trưởng khoảng 12%

Năm 2013, NHNN đưa ra mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm 2013.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay mua nhà ở xã hội theo các đối tượng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tổ chức, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc về hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực kinh tế.

Các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng  sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện và phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và điều kiện thực tế để kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo an toàn hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, hạn chế các rủi ro phát sinh.

H.Thủy

Đọc thêm