Ngân hàng Phát triển Châu Á “ngâm” dấu hiệu sai phạm của PMU1?

(PLO) - Liệu có phải “lợi ích nhóm” hay không khi nhà thầu bỏ giá chưa đầy 150 tỷ đồng lại xếp dưới nhà thầu 177 tỷ?  Nhà thầu được đệ trình liệu có phải là “sân sau” của ai đó hay không…? Khi những câu hỏi này vẫn chưa được làm rõ thì với dư luận đây quả là một nghi án động trời, tiếc rằng nhà tài trợ, trong trường hợp này lại tỏ ra quan liêu một cách không bình thường. 
PMU1 buộc thêm nợ lên vai dân nghèo?
Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường QL217 – tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD. Theo đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ 75 triệu USD để tiến hành nâng cấp 88 km QL217 từ huyện Hà Trung đến cửa khẩu quốc tế Na Mèo (tỉnh Thanh Hóa), đồng thời đi qua  các đoạn tuyến đường 6, đường 6a, đường 6b tỉnh Hủa Phăn của Lào, kết nối vùng đông Bắc Lào với Việt Nam. 
Dự án này góp phần thúc đẩy sự hợp tác, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, phát triển giữa các nước trong khu vực, giúp cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy việc phát triển kinh tế, khai thác lợi thế về vị trí cảng biển Nghi Sơn, của khẩu quốc tế Na Mèo của tỉnh Thanh Hóa. 
Đời sống nhân dân các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa còn hết sức khó khăn và khoản “chênh” 1 triệu USD trong gói thầu này có thể giúp hàng vạn người có cơ hội đổi đời
Đời sống nhân dân các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa còn
hết sức khó khăn và khoản “chênh” 1 triệu USD trong
gói thầu này có thể giúp hàng vạn người có cơ hội đổi đời 
Trên thực tế thì đời sống người dân xung quanh khu vực dự án hiện còn hết sức khó khăn. Như huyện Cẩm Thủy, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16,7 triệu đồng/năm (46.380 đồng/ngày/người); huyện Bá Thước còn thấp hơn, thu nhập bình quân chỉ 9 triệu đồng /người/năm (bình quân 25.000 đồng/người/ngày)… 
Trước hoàn cảnh như vậy, nhưng khi gói thầu số HW217 – 11.1 mở thầu ngày 16/09/2013 thì nhà thầu có mức giá tiết kiệm nhất lại bị Ban quản lý dự án giao thông 1 (PMU1) - Bộ Giao thông Vận tải xếp hàng bét bảng, thay vào đó bằng đề xuất chọn nhà thầu bỏ giá cao hơn tới gần 1 triệu USD? – Một con số không biết dân phải “trồng” trong bao nhiêu mùa sắn.
“PMU1 là đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án này từ nguồn vốn vay ADB. Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị với các nhà tài trợ vẫn luôn khẳng định Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA. Nhưng vay thì rồi đâu ai khác mà chính người dân mình phải trả từ tiền thuế của dân. Thế nên, người đứng đầu Chính phủ cũng  luôn yêu cầu, nhắc nhở phải sử dụng hiệu quả đến từng đồng vốn. Nếu để xảy ra việc gạt nhà thầu bỏ giá thấp thay vào đó chọn nhà thầu bỏ giá cao như vậy, có phải là đang làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, buộc thêm nợ lên vai dân nghèo?” –  một độc giả Pháp luật Việt Nam bức xúc. Trong thời gian qua, Báo Pháp Luật Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về dấu hiệu thiếu khách quan trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số HW217-11-1.
Hàng loạt câu hỏi chờ ADB làm rõ?
Để làm rõ vấn đề này, Ban biên tập đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị ADB phối hợp xác minh thông tin về quy trình, thụ tục xét duyệt đối với tất cả các hồ sơ dự thầu gói thầu nói trên nhằm đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện khách quan, đúng pháp luật, tránh sai sót và tiêu cực, góp phần thúc đẩy việc sử dụng vốn ODA hiệu quả. Tuy nhiên, gần 2 tháng đã trôi qua, các thông tin được gửi đi vẫn chưa được phía ngân hàng này trả lời để báo có cơ sở thông tin hai chiều, khách quan đến bạn đọc.
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng nhiều lần trực đến trụ sở ADB tại Hà Nội và liên hệ qua điện đặt lịch làm việc song cho đến nay  vẫn chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu. Trung tuần tháng 11/2013, ông Đặng Hữu Cự, cán bộ phụ trách quan hệ đối ngoại của ADB gọi điện cho phóng viên cho biết, phía ADB đang liên lạc với cán bộ quản lý dự án nhưng cán bộ này đang đi công tác tại Manila (Philippines) nên sẽ trả lời sau. Chờ đến sau Lễ Giáng sinh vẫn không thấy phản hồi, phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Cự thì được vị này cho biết vẫn chưa thể bố trí lịch vì… nghỉ lễ.
Khi cầm biên bản mở thầu trên tay, độc giả Pháp luật Việt Nam không khỏi thắc mắc rằng liệu có phải “lợi ích nhóm” hay không khi nhà thầu bỏ  giá chưa đầy 150 tỷ đồng lại xếp dưới nhà thầu 177 tỷ?  Nhà thầu được đệ trình liệu có phải là “sân sau” của ai đó hay không…? Khi những câu hỏi này vẫn chưa được làm rõ thì với dư luận đây quả là một nghi án động trời, tiếc rằng nhà tài trợ, trong trường hợp này lại tỏ ra quan liêu một cách không bình thường. 
ADB và các định chế tài chính quốc tế khác từ lâu vẫn được tiếng minh bạch. Hy vọng rằng, danh tiếng này vẫn sẽ luôn được giữ gìn. Pháp luật Việt Nam sẽ công bố điều tra riêng trong các số báo tới.

Đọc thêm