Tài sản “dữ liệu số”
Với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành NH trong kỷ nguyên số”, Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2023 diễn ra ngày hôm qua - 6/10, đã mang đến một bức tranh toàn diện về các chiến lược, giải pháp NH số, các công nghệ định hình ngành NH và phát triển NH dựa trên dữ liệu. Sự kiện do Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Tập đoàn IEC tổ chức dưới sự bảo trợ của NHNNVN.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng VNBA nhấn mạnh, dữ liệu là tài sản quý giá. Tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu số trong ngành NH nằm ở việc nó giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Cùng theo đại diện VNBA, đến nay, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các giải pháp như: Cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; Cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; Làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC); Tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Đề cập đến kế hoạch CĐS của ngành NH, Phó Thống đốc NHNNVN Phạm Tiến Dũng cho biết, có rất nhiều mục tiêu “đo đếm được” mà khai thác tối đa hiệu quả của dữ liệu số là 1 trong 9 nhóm giải pháp. Phó Thống đốc cho biết, hiện các NH lớn đã chuyển mình, đã có những kho, những trung tâm về dữ liệu, nhiều NH có số lượng giao dịch trên kênh số trên 90%, thậm chí có NH lên tới 97 - 98%.
Với 3 mảng hoạt động (huy động, cho vay và thanh toán), theo Phó Thống đốc, huy động đã triển khai điện tử, cho vay điện tử từ 1/9/2023 theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN (tối đa 100 triệu đồng), còn thanh toán các NH đã triển khai mở thẻ bằng định danh khách hàng điện tử eKYC từ tháng 3/2021, từ đó có thành quả là gần 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán.
Về cho vay điện tử, Phó Thống đốc cho rằng vấn đề cốt yếu phải trả lời được anh là ai, uy tín như thế nào, có trả được nợ không? “Chỉ có dữ liệu số mới làm được điều này!” - ông khẳng định. Đồng thời cho biết CCCD gắn chíp là một trong những dữ liệu đầu vào để đánh giá người vay.
Vẫn còn những thách thức
Khách hàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet) |
Theo số liệu VNBA công bố tại sự kiện, đến nay toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các TCTD, bảo đảm 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với CSDLQGDC.
“Tuy nhiên, trong quá trình CĐS cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành NH cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu” - Phó Chủ tịch VNBA Trần Văn Tần chia sẻ.
Tại sự kiện, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục A05, Bộ Công an đã báo động về thực trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đại diện Bộ Công an, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra công khai trên không gian mạng, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm; Các đối tượng sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác để mở hàng loạt tài khoản NH, ví điện tử, bán thu lợi bất chính…
“Trong những vụ chúng tôi đang điều tra, thủ đoạn có thể khác nhau nhưng chung quy đều do lọt dữ liệu cá nhân. Đối tượng điện thoại hỏi đúng tên, đúng địa chỉ, thậm chí đọc cả số dư trong tài khoản. Có trường hợp mất 8 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày” - Đại tá Hoàng Ngọc Bách thông tin.
Đề cập đến quy định cho vay điện tử theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNNVN cho rằng, quy định mở như vậy nhưng với mục tiêu 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 thì đây là thách thức lớn. “Hiện đang xuất hiện các hội nhóm hướng dẫn bùng nợ trên mạng xã hội, đây là vấn đề đáng báo động khi triền khai cho vay điện tử mà các NH phải đặc biệt lưu ý” - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNNVN thông tin.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc NHNNVN đề nghị các các NH cần tập trung làm sạch, số hóa những dữ liệu đã có và phải dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch phải ứng dụng dữ liệu để bảo đảm người thực hiện giao dịch là người đã đăng ký dịch vụ với NH, không thể để tình trạng lợi dụng tài khoản NH để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Phó Thống đốc chia sẻ, một trong những sửa đổi Luật các TCTD sắp tới là yêu cầu các NH xây dựng, kiểm thử kịch bản cho các tình huống bất thường. “NHNNVN sẽ luôn luôn đồng hành cùng các NH trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý để các NH phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình. Bên cạnh phát triển dịch vụ, các NH cũng phải bảo đảm sự hoạt động liền mạch, liên tục của hệ thống và bảo đảm an ninh, an toàn” - Phó Thống đốc nhấn mạnh