Ngân hàng thế giới khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong những dự án mới

(PLVN) - Sáng 16/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã gặp gỡ, làm việc với ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Buổi gặp gỡ làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT với Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, những năm qua, Ngân hàng ADB là đối tác tin cậy và quan trọng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực GTVT.

“Từ năm 1993 đến nay, Bộ GTVT đã và đang triển khai 23 dự án ADB với tổng vốn vay khoảng 4,2 tỷ USD. Bộ GTVT đánh giá cao sự hỗ trợ của ADB trong việc triển khai các dự án ngành GTVT tại Việt Nam như: Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê-Kông, Dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội - Tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), Dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh - Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương)...”, - vị Bộ trưởng nói.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn ADB sẽ tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án giao thông tạo động lực kết nối cảng biển, phát triển các khu kinh tế.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tại TP Hồ Chí Minh - đô thị lớn với những trung tâm kinh tế “vệ tinh” có quy mô lớn xung quanh như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Bộ GTVT mong muốn ADB sẽ hỗ trợ cho 2 Dự án vành đai 3 và vành đai 4 kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống cảng ở TP HCM.

Các đường vành đai hình thành sẽ tạo nền tảng giúp Việt Nam mở rộng các khu công nghiệp, tạo động lực cho ngành xuất nhập khẩu và mang đến việc làm cho người dân địa phương.

Còn đối với Hà Nội - trung tâm kinh tế lớn thứ hai của cả nước - hiện đã có tuyến đường Vành đai 2 và Vành đai 3, tuyến đường Vành đai 4 và Vành đai 5 liên kết với cảng Hải Phòng và các tỉnh thành tập trung đông đúc khu công nghiệp, nếu hai đường vành đai này được xúc tiến bằng nguồn vốn của ADB sẽ tạo động lực phát triển tốt cho khu vực phía Bắc.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đầu tư 1.500km đường cao tốc kết nối các vùng kinh tế động lực, tạo ra đột phá trong việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

“Với ý nghĩa quan trọng trên, nếu được thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng ADB, các dự án sẽ sớm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng nói riêng và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của Việt Nam nói chung”, Bộ trưởng Thể chia sẻ.

Hiện tại, Việt Nam có Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được thực hiện với nguồn vốn của Ngân hàng ADB nhưng tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. “Trên cơ sở kiến nghị gia hạn hiệp định vay vốn của Việt Nam, Bộ GTVT mong muốn Ngân hàng ADB sớm bố trí nguồn vốn để tiến độ của Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được đẩy nhanh, tạo động lực kết nối kết nối giao thông vùng ĐBSCL và các vùng lân cận”- vị Bộ trưởng nói.  

Tại buổi gặp mặt, ông Andrew Jeffries cho biết ông mới bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và mong rằng sẽ nhận được sự hợp tác có hiệu quả từ phía Bộ GTVT Việt Nam.

Đối với Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, ông Andrew Jeffries cho biết, hiện hồ sơ xin gia hạn khoản vay đã được chuẩn bị, dự kiến sẽ được trình lên cấp lãnh đạo của Ngân hàng ADB vào tháng 10/2020.

“Thời gian tới đây, cán bộ kỹ thuật của ADB cũng sẽ gặp gỡ với cán bộ Bộ GTVT của Việt Nam để tháo gỡ một số vướng mắc còn tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, trong đó có việc xem xét, điều chuyển một số hạng mục giữa hai khoản vay”, ông Andrew Jeffries cho hay.

Cũng theo ông Andrew Jeffries, thời điểm hiện tại, trong khi Việt Nam đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng ADB cũng đang trong quá trình xây dựng chiến lược đối tác quốc gia. Trên cơ sở đó, song song với việc tháo gỡ vướng mắc tại các dự án đang triển khai, Ngân hàng ADB luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong những dự án mới để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Đọc thêm