Thanh Hóa không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn làm say đắm lòng người. Để phát huy những tiềm năng, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh vươn tầm khu vực, thế giới, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả.
Đi sâu khám phá đất và người xứ Thanh, chúng ta thấy một hình hài Việt Nam thu nhỏ, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống đang chảy không ngừng. Với những thuận lợi đó, Thanh Hóa giữ vai trò quan trọng trong kết nối du lịch liên vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa |
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2024, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đăng ký tổ chức 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu.
Trong đó, có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch được tổ chức suốt 4 mùa. “Năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn thách thức với ngành du lịch của xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, chúng tôi hi vọng ngành “công nghiệp không khói” của Thanh Hóa vẫn sẽ có nhiều khởi sắc so với năm 2023”.
Khôi phục nhanh hoạt động du lịch sau thời gian “đóng băng” bởi đại dịch COVID-19, Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến “4 mùa” trong năm. Các khu du lịch biển: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; thiết lập trật tự kỷ cương, tạo lập môi trường văn hóa, văn minh, tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch kích cầu, thu hút du khách.
Những địa phương có lợi thế về du lịch sinh thái, cộng đồng còn quan tâm nâng cao chất lượng, nhân lực du lịch; chú trọng kết nối các tour, tuyến du lịch đến các điểm đến du lịch. Qua đó đã hình thành nên các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và du lịch thông minh phục vụ khách du lịch.
Ngành du lịch Thanh Hoá đã chủ động làm mới, phát triển thêm sản phẩm du lịch, đa dạng dịch vụ, xây dựng điểm đến an toàn, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hàm lượng văn hóa, đưa các giá trị văn hóa thấm sâu, tỏa lan qua mỗi sản phẩm du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng, tổng lượt khách đến Thanh Hóa ước đạt gần 14,5 triệu lượt, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024. Với việc tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, cùng với đưa vào khai thác đa dạng sản phẩm du lịch, vui chơi, giải trí đẳng cấp... đã góp phần đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của miền Bắc, tạo nên những kỳ nghỉ lễ với lượng khách ấn tượng từ đầu năm đến nay.
Qua đó góp phần nâng tổng thu du lịch 9 tháng năm 2024 ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 98,6% kế hoạch năm 2024. Đáng chú ý, lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa từ đầu năm đến nay cũng tăng 22,7% so với năm 2023, ước đạt 551 nghìn lượt khách; tổng thu từ khách quốc tế ước đạt trên 285,4 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,7% kế hoạch năm 2024.
Như vậy, chỉ trong 9 tháng tỉnh Thanh Hóa đã chính thức vượt mục tiêu về lượng khách trong năm 2024, trong khi còn cả “mùa cao điểm” đón khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện). Các chuyên gia và doanh nghiệp lĩnh vực du lịch kỳ vọng, du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm 2024.
Năm 2024, Thanh Hoá đã chủ động làm mới nhiều sản phẩm du lịch |
Theo đánh giá của du khách, Thanh Hóa là địa phương sở hữu nhiều điểm đến “xanh”, an toàn, với đa dạng loại hình du lịch, trải nghiệm với mức giá phù hợp. Trong đó, một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, vận hành trong 2 năm gần đây, như: Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, công viên nước (TP Sầm Sơn); tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê, các trò chơi cảm giác mạnh (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch Hải Tiến - đảo Nẹ, dù lượn (Hoằng Hóa); phố đi bộ và không gian văn hoá quảng trường Lam Sơn tại TP Thanh Hóa, Tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp Flamingo Hoằng Hoá, các huyện Yên Định, Quảng Xương, Như Thanh... được đông đảo du khách yêu thích.
Thực tế, để có được kết quả này, cùng với những nguyên nhân khách quan là cả quá trình cố gắng, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Trong đó phải kể đến hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong những năm gần đây, đặc biệt là sự kiện kích cầu du lịch và công bố các sự kiện, hoạt động văn hóa thể thao và du lịch năm 2024 được triển khai rất sớm tại Thanh Hóa, TP Hà Nội và Bắc Giang từ đầu năm đến nay.
Công viên nước Sầm Sơn trở thành điểm đến mới hấp dẫn của dịch Thanh Hoá |
Tại nhiều địa phương cũng có thêm các sản phẩm mới như: du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE; tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh; trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; hay hòa mình trong hương thơm mát dịu, check in cùng hoa sen trong nội thành Thành nhà Hồ, trên mặt nước trải rộng hoa súng ở khu du lịch động Kim Sơn, huyện Vĩnh Lộc; tham quan Khu Du lịch Anh Phát, khám phá tour du lịch trên biển ở thị xã Nghi Sơn, các nông trại: QueenFarm ở huyện Quảng Xương, Linh Kỳ Mộc ở thành phố Thanh Hoá, Làng du lịch Yên Trung, huyện Yên Định…
Đây cũng chính là kết quả từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới công tác quản lý Nhà nước, đem lại lòng tin, tạo dựng thương hiệu và hình ảnh của du lịch Thanh Hóa “văn minh, thân thiện và hấp dẫn” đối với khách du lịch.
Những năm qua, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Thanh Hóa được nâng lên, toàn tỉnh hiện có 56.300 lao động trong lĩnh vực du lịch, tăng 15.700 lao động so với năm 2020. Trong đó, số lao động được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch của tỉnh này là 46.500 người, chiếm 82,6%, tăng 3 điểm % so với đầu nhiệm kỳ.
Thanh Hóa có thêm 62 doanh nghiệp lữ hành được cấp phép, nâng tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép trên địa bàn tỉnh đến nay lên 82 doanh nghiệp, gồm có 22 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 56 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 3 chi nhánh du lịch; 1 đại lý du lịch
Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tạo cơ hội để ngành Du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đang từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Cụ thể như: xây dựng đề án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh; Tăng cường quảng bá du lịch trên các nền tảng số (facebook, fanpage, tiktok); phối hợp với Mobifone triển khai các trải nghiệm du lịch thông minh qua thực tế ảo và thực tế tăng cường tại 8 khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu du lịch Pù Luông… Đặc biệt, nhiều khu, điểm du lịch đã sử dụng phần mềm thuyết minh điện tử tự động, thuyết minh 3D… nhằm tăng sự trải nghiệm cho du khách.
Tổ hợp giải trí cao cấp Flamingo đưa vào vận hành tạo thêm sức hút |
Trong công tác truyền thông, ngành du lịch Thanh Hoá cũng rất sáng tạo và đổi mới. Ngoài những kênh tuyên truyền truyền thống. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có những hợp tác với Tập đoàn truyền thông BBC tuyên truyền về du lịch Thanh Hóa trên các phương tiện, nền tảng số của BBC. Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng các trailer, TVC quảng cáo có giá trị, hấp dẫn, chuyên nghiệp, truyền tải thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” đến với bạn bè thế giới. Qua đó góp phần khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch của Thanh Hóa, không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là trọng điểm du lịch của cả nước, là điểm đến hấp dẫn đông đảo khách quốc tế trong tương lai gần.
Từ những giải pháp đồng bộ trên, cộng với nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành du lịch. Trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 32.387 tỷ đồng. Đây được đánh giá là con số không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi du lịch trong nước sẽ vẫn đối mặt những thách thức trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, ngành du lịch Thanh Hóa hoàn toàn có thể kỳ vọng bởi nỗ lực của từng địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là sự xuất hiện của nhà đầu tư mới, tầm cỡ tại Thanh Hóa với những dự án cao cấp sẽ được đi vào hoạt động năm 2024, tạo đà cho tỉnh bứt phá mạnh mẽ.