Ngành dệt may trước nguy cơ thiếu lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ba làn sóng dịch Covid-19 trước, dệt may Việt Nam thành công nhất trong việc duy trì công việc và giữ chân người lao động, bất chấp đơn hàng phải chạy theo kiểu “ăn đong”. Đến làn sóng Covid lần thứ 4 này, tình thế lại đặt dệt may vào thế “oái ăm”. 
Dệt may Việt Nam lo sợ thiếu lao động khi đã có nhiều đơn hàng. Ảnh minh họa
Dệt may Việt Nam lo sợ thiếu lao động khi đã có nhiều đơn hàng. Ảnh minh họa

Buộc phải nhận đơn hàng giá trị thấp

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong quý I/2021, lượng hàng đặt hàng sản xuất của May 10 tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lý do vào thời điểm quý III và IV năm 2020 tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thị trường xuất khẩu (XK) chưa có dấu hiệu phục hồi nên để đảm bảo duy trì sản xuất, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. 

Bên cạnh đó, mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc May 10 phải thay thế bằng mặt hàng khác. Hiện nay đơn hàng jacket, quần âu, sơ mi đã có đủ năng lực sản xuất tới tháng 8/2021. Riêng mặt hàng veston - mặt hàng chủ lực của May 10 thì vẫn chưa có đủ hàng để đáp ứng đủ năng lực sản xuất của May 10, hiện chỉ đạt 50% năng lực. 

Do phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác thay thế, như dệt kim, hàng thường phục như quần, váy, jacket, quần áo trẻ em... để bù đắp sự thiếu hụt của hàng trang phục truyền thống của May 10 như sơ mi, veston, quần âu nên ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và doanh thu. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT May 10 cũng cho rằng, việc phải nhận các đơn hàng từ năm 2020 trong tình thế thiếu hụt đơn hàng với giá rẻ là một trong 5 thách thức lớn mà May 10 phải đối mặt trong năm nay khi muốn duy trì lương thưởng, phụ cấp cho công nhân.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (DMVN) cho biết, đa phần các mặt hàng XK chính trong quí I/2021 vẫn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, giá tương đối rẻ, các sản phẩm dệt kim do xu thế tiêu dùng của may mặc thế giới đã thay đổi rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Các mặt hàng veston, sơ mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%; quần âu giảm 45%; áo sơ mi giảm 30%). Một số doanh nghiệp (DN) trong Tập đoàn đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 8 nhưng hầu như đều dự đoán doanh thu tiêu thụ, kim ngạch XK sẽ thấp hơn so với quý I.

Lo biến động lao động

Theo ông Vũ Đức Giang, một trong 5 thách thức lớn mà May 10 đang phải đối mặt đó là thiếu hụt lao động có tay nghề và biến động lao động. Điều này cũng được ông Việt xác nhận khi khẳng định, lượng đơn hàng của Công ty đã ổn định nhưng rất khó tuyển bổ sung được thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng và có thể đạt mục tiêu doanh thu. 

Bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty may XK Ninh Bình chia sẻ, trong quý I/2021 May Ninh Bình còn ít đơn hàng nên doanh thu chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đến quý II/2021, đơn hàng đã dồn dập đến, khiến lượng hàng đã có đủ để yên tâm sản xuất tới tháng 9/2021. Nếu quý I hàng đã khó có và giá gia công lại rẻ nhưng đến quý II thì hàng rất nhiều, giá cũng đã được nâng lên khá hơn. Một may mắn là May Ninh Bình vẫn nhận được các đơn hàng của khách truyền thống nên không cần thay đổi thiết bị, năng suất lao động cũng vẫn tốt. 

Tuy nhiên, theo bà Hương, tại Ninh Bình, tình hình biến động lao động năm nay mạnh hơn, do có DN giày da mới chuyển đến, đang tuyển dụng lao động. DN này thu hút lao động ở trong vùng do công việc đơn giản, chỉ làm một khâu, không bị áp lực và không đòi hỏi trình độ tay nghề cao như bên may. “Do đó, chúng tôi cũng phải lưu ý chăm lo người lao động nhiều hơn để giữ chân họ. Một mặt đối phó lao động nhảy việc bằng việc tuyên truyền, gần gũi sẻ chia với họ trong vấn đề tư tưởng, tình cảm, phát triển năng lực bản thân” - bà Hương nói. 

Ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn DMVN cũng khẳng định, ngành DMVN xác định 2 tài sản lớn nhất phải bảo vệ bằng mọi giá là lao động và vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các DN trong ngành đã luôn nỗ lực, tìm mọi giải pháp để giữ ổn định lao động. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong suốt năm 2020. Tuy nhiên, DMVN cũng vẫn phải đối mặt với tình hình biến động lao động và bị đe dọa khi đặc thù lao động ngành may là “dễ đến thì cũng dễ đi”. Đặc biệt là những lao động trẻ, tính gắn kết chưa cao, nên họ thích nhảy việc khi có nơi trả mức thu nhập hấp dẫn hơn.

Do đó, Công đoàn DMVN đã thực hiện nhiều biện pháp để đồng hành cùng DN trong việc giữ chân người lao động như cùng DN chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách, chất lượng bữa ăn ca; duy trì, thực hiện nhiều chương trình phúc lợi cho đoàn viên và các hoạt động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, thu nhập chính đáng cho người lao động…

Đọc thêm