Theo Bộ trưởng, Cục Đường sắt cần phải xây dựng, tham mưu Bộ GTVT về chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Đường sắt, trong đó nêu rõ hướng ưu tiên đầu tư hạ tầng đường sắt kết nối với cảng biển, sân bay, bến xe; hướng đầu tư các tuyến mới…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, đường sắt đóng vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước và ngành GTVT. Do đó, để nối tiếp truyền thống, Cục Đường sắt cần khôi phục được lịch sử vẻ vang của ngành, phát triển đột phá, tương xứng với vai trò là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước, kết nối Bắc - Nam, kết nối các vùng; có giải pháp quyết liệt để đưa thập kỷ 2021-2030 là thập kỷ phát triển đột phá của đường sắt.
Ông Vũ Quang Khôi – Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho biết, năm 2020, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động vận tải đường sắt tiếp tục đạt được hiệu quả, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Công tác quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng đường sắt tiếp tục được tăng cường. Kịp thời phối hợp với các doanh nghiệp đường sắt xử lý khắc phục các đợt bão lũ, thiên tai, đảm bảo an toàn cho chạy tàu, thông tuyến một cách nhanh nhất.
Đặc biệt, trong công tác ATGT, Cục đã chủ động triển khai, hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với 34 tỉnh/thành phố có đường sắt đi qua để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự án toàn giao thông đường sắt và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo đúng lộ trình. Theo Cục trưởng Khôi, năm 2020, Cục Đường sắt đã chỉ đạo xóa bỏ được 208 vị trí lối đi tự mở; Rào thu hẹp được 1.499/1.976 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt; Cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 3.064/3.890 vị trí; Tổ chức cảnh giới an toàn giao thông tại 370/548 vị trí giao cắt; Tai nạn giao thông đường sắt giảm so với năm 2019.