Ngành Giáo dục tổng kết năm học 2023 - 2024: Đừng nghĩ đến trường chỉ để học kiến thức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, trong 12 năm học phổ thông, dường như chúng ta chú ý nhiều hơn đến kiểm soát “đầu ra”, dành nhiều thời gian, công sức cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chưa thực sự quan tâm một cách tương xứng với “đầu vào” là chăm chút, hỗ trợ cho học sinh lớp 1...
Cần tạo cho học sinh niềm vui đến trường. (Ảnh minh họa: PV)
Cần tạo cho học sinh niềm vui đến trường. (Ảnh minh họa: PV)

Chăm chút “đầu vào”, chặt chẽ “đầu ra”

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho biết, tính đến thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Theo đó, 100% các nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là các ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%). 100% học sinh lớp 3, 4 được học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ bản bảo đảm về chất lượng theo yêu cầu cần đạt của Chương trình.

Đại diện các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố đã nêu ý kiến đóng góp, kiến nghị đối với các vấn đề triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; thực hiện thí điểm học bạ số; tăng cường triển khai dạy tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, một số khó khăn liên quan đến in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; khó khăn về nền tảng kỹ thuật, kinh phí, kinh nghiệm triển khai học bạ số… đã được địa phương chia sẻ với mong muốn sẽ có giải pháp từ Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, qua lộ trình 4 năm triển khai Chương trình phổ thông 2018, năm nay là năm thứ năm, cũng là năm kết lại chương trình, chặng đường đi qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ở bậc tiểu học, Bộ trưởng cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng “đầu vào” của giáo dục phổ thông, cụ thể là lớp 1. “Trong 12 năm học phổ thông, dường như chúng ta chú ý nhiều hơn đến kiểm soát “đầu ra”, dành nhiều thời gian, công sức cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chưa thực sự quan tâm một cách tương xứng với “đầu vào” là chăm chút, hỗ trợ cho học sinh lớp 1” - chia sẻ điều này, Bộ trưởng lưu ý cần bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ đến trường; chuẩn bị Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào tiểu học; chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để hỗ trợ tốt nhất học sinh vào lớp 1…, để làm sao thực hiện đồng thời và hiệu quả hai công việc: chăm chút cho “đầu vào” và đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc “đầu ra”.

Học chữ và học làm người

Đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách, phát triển con người, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu thực hiện nghiêm túc hoạt động chào cờ, hát Quốc ca trong cả học sinh và thầy cô. Học sinh cần thuộc Quốc ca của đất nước. Cùng với đó, dạy học sinh nhuần nhuyễn và vận dụng thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

Đề cập tới việc triển khai dạy học Ngoại ngữ, Tin học bắt đầu từ lớp 3, Bộ trưởng đánh giá đây là cố gắng và đổi mới rất lớn, là điều kiện để chuẩn bị cho những công dân số, kỹ năng số. Cùng với đó là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật giúp thay đổi về chất trong giáo dục; tăng cường cảm xúc thẩm mĩ, tố chất văn hóa, gia tăng chất lượng giáo dục con người một cách toàn diện theo chiều sâu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc tổ chức dạy học Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đội ngũ và thực hiện ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, nhiều giải pháp được triển khai, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để giáo viên địa phương này có thể hỗ trợ địa phương thiếu giáo viên khác. Nhưng các tỉnh khó khăn cần áp dụng một cách chủ động và tích cực hơn, có kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay trên địa bàn của mình - đây mới là giải pháp lâu dài. Việc chuẩn bị đội ngũ, nhất là với môn Âm nhạc, Mỹ thuật cần thực hiện một cách bền vững, lâu dài và mục tiêu đặt ra trong Chương trình có thể chưa đáp ứng được ngay, nhưng cần từng bước triển khai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh các yêu cầu về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Khắc phục ngay những hạn chế đã được chỉ ra; tập trung nâng cao chất lượng dạy học. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quan tâm, thu hút học sinh, tạo cho các em niềm vui đến trường, bắt đầu từ học sinh lớp 1. “Để thực hiện tốt, chúng ta phải xác định rất rõ đặc điểm của học sinh tiểu học, đặc điểm của cán bộ, giáo viên tiểu học. Bởi mỗi vùng miền, mỗi học sinh khác nhau có những đặc điểm khác nhau, đó là bức tranh hết sức sinh động, cần thầy, cô giáo tiểu học có những kỹ năng đặc thù. Đó là tính kiên trì, nhẫn nại, vừa “dạy”, vừa “dỗ”, vừa hướng dẫn”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 3 công khai trong giáo dục, đặc biệt là thực hiện chế độ chính sách cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ của học sinh bán trú ở các trường, an toàn trường lớp, an toàn vệ sinh thực phẩm… Chia sẻ với sự khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, Thứ trưởng bày tỏ: với ngành GD&ĐT liên quan đến con người, liên quan đến kiến thức, đến số đông, nên không thể không có nhiều cái khó. Điều đó cần sự đổi mới, sự kiên trì, kỹ năng, kiến thức và cần nhiều tâm huyết của các thầy cô.

Đọc thêm