Ngành Giao thông dồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nguồn vốn đầu tư công (ĐTC) được giao lớn nhất từ trước đến nay, khép lại năm 2023, rất nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã được ngành Giao thông triển khai có hiệu quả.
Thi công cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Công ty Đèo Cả cung cấp).
Thi công cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Công ty Đèo Cả cung cấp).

Chạy đua giải ngân

Xác định giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế quốc gia, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, quyết sách cũng như đầu tư lớn vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải (GTVT). Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, 2023 là năm mà Bộ này được giao vốn ngân sách lớn nhất từ trước đến nay với hơn 94.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022 (năm 2022 khoảng 45.000 tỷ đồng), chưa kể khoảng 1.000 tỷ đồng của năm 2022 chuyển tiếp sang.

Trước áp lực giải ngân vốn ĐTC, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ đã có kế hoạch giải ngân cho từng dự án. Đặc biệt, cũng từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tổ chức nhiều cuộc họp, đôn đốc, chỉ đạo các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phải nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm. Để cụ thể hóa các mục tiêu, Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân vốn ĐTC.

Trong suốt một năm qua, các lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra, thị sát tại các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, động viên, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, lãnh đạo ngành GTVT sẵn sàng lắng nghe các khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhà thầu thực hiện, kịp thời đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khắc phục những “điểm nghẽn”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, với việc năm nay Bộ được giao số vốn lịch sử, áp lực giải ngân của ngành GTVT là rất lớn. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT luôn chỉ đạo các đơn vị cần giải ngân quyết liệt, tranh thủ từng giây, từng phút để đạt hiệu quả giải ngân. “Yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực tài chính và tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, các dự án cao tốc hoàn thành theo đúng yêu cầu đề ra” - ông Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các đơn vị.

Nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, đến đầu tháng 12/2023, Bộ GTVT là đơn vị giải ngân vốn ĐTC tốt nhất trong các Bộ, ngành, địa phương. “Đến đầu tháng 12/2023, Bộ GTVT đã giải ngân vốn ĐTC được hơn 71.000 tỷ đồng, đạt gần 76% kế hoạch” - Chánh Văn phòng Bộ GTVT nói với phóng viên Báo PLVN và cho biết, theo kế hoạch, đến hết năm 2023, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân đạt khoảng 95% theo chỉ đạo của Chính phủ. “Càng về cuối năm, sản lượng hoàn thành tại các dự án trọng điểm quốc gia càng lớn” - đại diện Bộ GTVT thông tin.

Công trường nhộn nhịp…

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), trong năm 2023, nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia vướng hai “nút thắt” lớn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, giải ngân vốn là mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, Bộ GTVT, các chủ đầu tư đã phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Kết quả, nhiều dự án trọng điểm quốc gia có tiến độ thực hiện tốt, về đích đúng kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2023, đã có hàng loạt dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Điển hình như cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng), cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn (hơn 5.500 tỷ đồng), cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (gần 7.300 tỷ đồng), cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (hơn 12.500 tỷ đồng), cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (hơn 7.600 tỷ đồng), cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2 (khoảng 5.000 tỷ đồng), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hơn 4.800 tỷ đồng).

Một loạt cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2 khác cũng đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Điển hình, tại dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 là cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hiện đang có hàng nghìn lao động, hàng trăm máy móc, thiết bị phục vụ thi công. Theo ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT, chủ đầu tư), nhằm đẩy nhanh dự án, lãnh đạo chủ đầu tư thường xuyên đến hiện trường kiểm tra dự án, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. “Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều nhà thầu thi công “ba ca, bốn kíp”. Chúng tôi cũng nhiều lần đi kiểm tra trong đêm” - lãnh đạo Ban 2 nói.

Ngoài ra, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải, dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn…

Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng được bộ GTVT đẩy mạnh trong năm qua như dự án cải tạo quốc lộ 4B, một số dự án thuộc đường Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang… Nhiều dự án cảng hàng không thuộc các dự án trọng điểm Quốc gia từ vốn doanh nghiệp cũng đang được ngành GTVT phối hợp, đẩy mạnh triển khai. Điển hình như dự án Sân bay Long Thành, dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất…

Đọc thêm