Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD

(PLO) - Cả năm 2018, xuất khẩu (XK) gỗ thu về kết quả rực rỡ với tổng kim ngạch trên 9 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra. Với nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là cánh cửa XK đã thông thoáng, mục tiêu 10,5 tỷ USD trong năm 2019 được nhiều chuyên gia dự báo khả thi.
Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu 10,5 tỷ USD cho năm 2019

Lâm sản xuất siêu 7 tỉ USD

Theo báo cáo tổng kết của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT,  giá trị XK lâm sản trong năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị XK của các ngành hàng thuộc ngành NN&PTNT. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành. 

Các thị trường XK lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch XK lâm sản.

Ông Phạm Văn Điển-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, kết quả XK mà ngành lâm nghiệp đạt được trong năm nay đã vượt mục tiêu phấn đấu đặt ra từ đầu năm là 9 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng bởi lẽ XK lâm sản nhiều năm qua được Bộ NN&PTNN chú trọng là mũi nhọn, đồng thời tạo nhiều điều kiện để phát triển.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, XK lâm sản đạt được kết quả lớn không thể không nhắc đến Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU được ký vào ngày 19/10/2018 giữa Việt Nam và EU sau 6 năm đàm phán. Đây được coi là bước ngoặt lớn, cùng với việc triển khai đồng bộ Luật Lâm nghiệp sẽ góp phần hình thành được ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững. .

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, XK lâm sản trong năm 2018 xuất phát từ sự những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 hội nghị chuyên đề về lâm nghiệp và tạo hứng khởi tốt không chỉ cho các cơ quan quản lý mà các doanh nghiệp (DN) XK gỗ thêm tin tưởng, có thêm sự tự tin khi vươn ra các thị trường lớn trên toàn thế giới.

Nhìn nhận trong năm 2018, các DN ngành gỗ đã đầu tư lớn, và cam kết thực hiện việc không sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp. Điều này góp phần giúp Việt Nam thực hiện rất thành công việc đóng cửa khai thác rừng tự nhiên nhưng thị trường trong nước vẫn có nguồn gỗ nguyên liệu khoảng 25,7 triệu m3, duy trì nhập khẩu (NK) khoảng 2,3 tỷ USD với khối lượng NK quy tròn khoảng 8 triệu m3. Nguồn nguyên liệu trong nước tăng lên rất nhanh chóng, đáp ứng gần 80% nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. 

“Các DN nguyên liệu và chế biến gỗ đều có lợi nhuận, thậm chí nhiều hơn các ngành đầu tư khác của nông nghiệp đã tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa các DN trong và ngoài ngành cùng nhau liên kết, kinh doanh tạo ra sự ổn định và xuất khẩu”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Mục tiêu năm 2019 khả thi

Từ những thành công của năm 2018, năm 2019 tới đây, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6,0%; giá trị XK đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD.

Trước mục tiêu này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích, năm 2018, kim ngạch XK tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với năm 2017. Năm 2019, toàn ngành đặt ra mốc 10,5 tỷ USD, nghĩa là đặt mức tăng trưởng khoảng 1,2 tỷ USD so với năm 2018. 

Về mặt thị trường, trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam có thể tranh thủ được những thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn. Tại châu Á, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia có kim ngạch XK gỗ lớn nhất nhưng do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là “Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ”, quốc gia này mà cụ thể là ngành gỗ cũng chịu bị đánh thuế cao ở một số thị trường, đặc biệt là tại Mỹ. Như vậy, các đối tác có thể sẽ hướng về thị trường Việt Nam. 

Bên cạnh đó, các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao. Các cam kết cũng như quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia này được duy trì tốt, đặc biệt là tại thị trường EU, Việt Nam chúng ta có thêm Hiệp định VPA/FLEGT.

Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, năm 2019 tới, Việt Nam có thể tăng sản lượng gỗ khai thác trong nước thêm 1,5 triệu m3 cho nguyên liệu. Bên cạnh đó, các DN đã và đang đầu tư vào các ngành hàng này tăng lên. Nhiều DN đã đầu tư năm 2018, tới năm  2019 bắt đầu đi vào hoạt động khiến công suất, sản lượng tăng lên. Hiện các đơn hàng cho năm 2019 đã được nhiều DN lên kế hoạch hoàn thành cho các thị trường đã ký kết. 

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: “Mục tiêu 10,5 tỉ tỷ USD trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi bởi ngành gỗ đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá”. 

Đọc thêm