Phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu
Trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam góp phần thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý là đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của Việt Nam. Trong đó, vừa qua đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu theo các hiệp định đã ký kết.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP về việc “về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-BTC - Kế hoạch triển khai Quyết định 824/QĐ-TTg và Quyết định số 376/QĐ-BTC triển khai Nghị quyết số 119/NQ-CP.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Từ kết quả kiểm tra, xác minh thấy nổi lên 3 phương thức gian lận phổ biến như: Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn quy định tại Điều 9 Nghị định
số 31/2018/NĐ-CP; các doanh nghiệp giai đoạn đầu chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác); các doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Kết quả, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 01 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.
Đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Đã thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
|
Linh kiện xe đạp trong vụ việc do Cục KTSTQ và Cục Hải quan Bình Dương phát hiện |
Cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp
Chủ trì buổi họp báo, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc cho biết, Tổng cục Hải quan xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Từ kết quả triển khai trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch định hướng giai đoạn tới để mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều doanh nghiệp khác.
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, ngành Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công do chủ thể của hàng hóa (đơn vị thuê gia công) thường ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam.
Với Bộ Công Thương, ngành Hải quan cho rằng, cần có quy chế phối hợp cụ thể giữa Bộ Công Thương với Bộ Tài chính (cơ quan Hải quan) trong việc thực hiện khoản 2 Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP về kiểm tra xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phải có hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhãn hàng mác, khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa không đủ điều kiện hưởng xuất xứ Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về tự chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, nghiên cứu, quy định cụ thể về phương pháp xác định xuất xứ, hành vi vi phạm tự chứng nhận xuất xứ để đảm bảo tính khả thi trong xử phạt và phòng ngừa gian lận (ví dụ, doanh nghiệp chỉ xin giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho một số lô hàng ban đầu và khi làm thủ tục hải quan khai báo hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, sau đó không xin C/O nữa nhưng khi làm thủ tục hải quan vẫn khai báo hàng hóa xuất xứ Việt Nam, trên bao bì ghi Made in Vietnam, khi cơ quan Hải quan kiểm tra các lô hàng này phát hiện vi phạm về xuất xứ).