Ngành Hải quan chung tay phát triển vùng động lực phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 4 tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có vị trí địa kinh tế rất quan trọng. Trong lĩnh vực quản lý, ngành Hải quan xác định nhiều giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vùng động lực phía Bắc gồm những địa phương trên.
Hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Hùng)
Hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Hùng)

Cải cách, đổi mới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Ngày 9/1/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Nghị quyết 81, 4 tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có vị trí địa kinh tế rất quan trọng trong định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, 4 tỉnh, TP này nằm trọn trong vùng động lực phía Bắc (Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); với định hướng theo các vùng biển và ven biển: Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới…

Bên cạnh việc liên kết phát triển, khai thác tối ưu hạ tầng cứng (đường bộ, đường sắt, đường không, đồng sông, đường biển), các hoạt động liên kết phát triển hạ tầng mềm cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hạ tầng mềm ở đây chính là việc thực hiện thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh, TP. Phát triển hạ tầng mềm tức là đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh liên thông trong cải cách, thực hiện thủ tục hành chính giữa các tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn để xây dựng “chính quyền điện tử”, “chính quyền số”, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái số phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước….

Tổng cục Hải quan cho biết, đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, địa bàn 4 tỉnh, TP thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan TP Hải Phòng và Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Năm 2022 về kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan TP Hải Phòng đạt quy mô với 101,37 tỷ USD, là 1 trong 3 đơn vị trọng điểm có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất toàn ngành Hải quan; Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đạt quy mô với 14,04 tỷ USD, cũng nằm trong số các đơn vị có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn khác với quy mô hàng chục tỷ USD.

Để đạt được những con số ấn tượng trên đây là sự vào cuộc quyết tâm trong thực hiện cải cách, đổi mới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách của các cấp, các ngành 4 tỉnh, TP, đồng thời có sự đóng góp rất lớn của của các khu công nghiệp tại 4 tỉnh, TP nói chung và cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn nói riêng.

Nỗ lực góp phần thúc đẩy liên kết vùng

Nhiều năm qua, ngành Hải quan luôn đẩy mạnh cải cách và phát triển, hiện đại hóa. Cụ thể, ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống chính sách pháp luật hải quan đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế; đã áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ; đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục; đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan; quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp từng bước phát triển và ngày càng đi vào thực chất...

Nhiều kết quả đạt được đã có tác động và sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, song cũng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hóa ra vào Việt Nam, góp phần bảo vệ sức sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan.

Tiếp tục phát triển bền vững các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan toàn diện trên mọi lĩnh vực, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Đối với liên kết vùng, Chiến lược phát triển Hải quan đã xác định nhiều giải pháp mạnh sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển không gian kinh tế - xã hội, phát triển hành lang kinh tế… theo Nghị quyết 81/2023/QH15 (trong đó có vùng động lực phía Bắc; hành lang kinh tế tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh… đều có 4 tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên).

Theo đó, tập trung vào một số giải pháp như: Tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao; Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO; Triển khai Hải quan xanh; Xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian; Tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng Hải quan Vùng…

Đọc thêm