Ngành Hải quan hòa cùng 'dòng chảy' cải cách, hiện đại hóa - Bài 3: Xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những mục tiêu tổng quát được đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg) là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”.
Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 sẽ chú trọng xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. (Nguồn ảnh: internet)
Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 sẽ chú trọng xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. (Nguồn ảnh: internet)

Đáp ứng chuẩn mực của Hải quan thế giới

Nhằm đạt được mục tiêu đặt ra, Chiến lược phát triển Hải quan đã xây dựng hệ thống các giải pháp đầy đủ, toàn diện, bao trùm, khả thi với các trụ cột chính: Về thể chế, về nghiệp vụ Hải quan, về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; Về ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số; Hiện đại hóa cơ sở vật chất; Hợp tác, hội nhập quốc tế về Hải quan; Hợp tác giữa cơ quan Hải quan với các bên liên quan.

Trong đó, về thể chế, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan; xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Hải quan xanh; áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý theo chuỗi, theo định danh. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Hải quan thế giới…

Về nghiệp vụ hải quan, áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi; từng bước triển khai thực hiện bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao. Xây dựng mô hình tổ chức kiểm tra sau thông quan tập trung ở cấp Tổng cục; áp dụng sâu rộng phương pháp kiểm toán sau thông quan; từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan. Triển khai đồng bộ và đầy đủ việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan…

Chú trọng phát triển đội ngũ công chức Hải quan các cấp

Về tổ chức bộ máy, xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục); tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng Hải quan Vùng. Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu; đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan.

Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức Hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp; Xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực công khai, minh bạch với chế độ đãi ngộ hợp lý bảo đảm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hải quan; Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm, các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan tập trung, thông minh; Xây dựng hệ thống quản lý nguồn nhân lực điện tử bảo đảm yêu cầu tự động hóa tối đa các thủ tục quản lý nguồn nhân lực.

Đồng thời, xây dựng phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức hải quan, kỹ năng sư phạm, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được WCO công nhận là giảng viên của WCO có thể tham gia giảng dạy quốc tế; Nghiên cứu áp dụng triển khai các phương pháp đào tạo hiện đại, công nghệ tiên tiến đáp ứng theo yêu cầu vị trí việc làm; Xây dựng mô hình luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường liêm chính hải quan.

Bên cạnh đó, sẽ hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; kết nối hệ thống công nghệ thông tin với việc sử dụng các trang thiết bị, máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ trực tuyến, giảm thiểu sự can thiệp của công chức trong các khâu kiểm tra, giám sát. Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng việc triển khai áp dụng quản lý hải quan trên nền tảng ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Về ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, xây dựng Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin Hải quan số, Hải quan thông minh trên nền tảng số, cơ sở dữ liệu tập trung cấp Tổng cục. Trong đó, phát triển dữ liệu số Hải quan tạo nền tảng cho triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Đọc thêm