Ngành Hải quan hòa cùng 'dòng chảy' cải cách, hiện đại hóa - Bài 2: Những kinh nghiệm quý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Hải quan đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện các mục tiêu cải cách, phát triển và hiện đại hóa.
Cán bộ ngành tích cực tham gia hiện đại hóa Hải quan. (Ảnh PV)
Cán bộ ngành tích cực tham gia hiện đại hóa Hải quan. (Ảnh PV)

Cùng với đó là quyết tâm chính trị, vai trò, chủ động, sáng tạo cao nhất của toàn ngành Hải quan, sự chỉ đạo nhất quán, quyết liệt trong, lựa chọn các bước đi phù hợp với bối cảnh thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đề cao tính hiệu quả thực tế trong triển khai thực hiện cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan. Triển khai thành công các kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa Hải quan theo các giai đoạn.

Không được “đốt cháy” giai đoạn

Đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ, việc chuyển đổi từ hải quan truyền thống sang hải quan điện tử và tiến tới hải quan số, hải quan thông minh cần có lộ trình triển thực hiện, bước đi cụ thể, bảo đảm yêu cầu thời gian và nguồn lực, không được “đốt cháy” giai đoạn; đồng thời, cần nhận diện đúng xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ trong tương lai để chủ động ứng dụng và đi tắt đón đầu, nếu không sẽ khó thành công vì hiện đại hóa Hải quan không chỉ phụ thuộc bản thân ngành Hải quan mà còn phụ thuộc quyết tâm chính trị của cấp có thẩm quyền, sự phối hợp của các Bộ, ngành và các bên có liên quan, hiện đại hóa Hải quan phải được thống nhất về nhận thức sau đó mới chuyển thành hành động…

Đặc biệt, hệ thống quy phạm pháp luật, quy trình thủ tục cần phải được sửa đổi, bổ sung, tái thiết kế theo tư duy mới, tránh điện tử hóa quy trình thủ công mà phải hướng tới nền hành chính và thương mại phi giấy tờ trên môi trường tự động hóa. Hệ thống công nghệ thông tin cần phải được thiết kế kỹ lưỡng và song hành cùng với tiến trình xây dựng chính sách, pháp luật và tái thiết kế quy trình thủ tục. Khi đó, việc triển khai sẽ bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, giảm thiểu độ trễ của thực thi chính sách. Mức độ số hóa, chuẩn hóa của chứng từ, hồ sơ hành chính và thương mại càng cao càng dễ dàng ứng dụng các thành tựu và công nghệ mới, nâng cao mức độ tự động hóa, qua đó tối ưu hóa hoạt động của cơ quan nhà nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính; dễ dàng trong hội nhập và tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, vận tải xuyên biên giới.

Lan tỏa sâu rộng những kết quả, thành tựu

Kinh nghiệm của Hải quan Việt Nam qua các giai đoạn phát triển hiện đại hóa cũng cho thấy, để bảo đảm thành công cần một đơn vị chuyên trách thực hiện xây dựng và quản trị chiến lược kế hoạch; nghiên cứu triển khai những vấn đề mới, có tính đột phá, mũi nhọn, trở thành hạt nhân, thúc đẩy nhanh và lan tỏa mạnh mẽ các kết quả, thành tựu trong quá trình hiện đại Hải quan. Ngoài ra, thực hiện hiệu quả công tác quản trị chiến lược, kế hoạch; điều phối và hỗ trợ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan, triển khai thực hiện các kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa giai đoạn; bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành Hải quan với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành Hải quan luôn chủ động, lắng nghe và phối hợp hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện quản lý nhà nước về hải quan để có những cải cách, điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động đối tác, hợp tác thường xuyên, liên tục với VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, ngoài nước trong tham vấn xây dựng chính sách pháp luật, thực thi pháp luật, thực hiện thủ tục hải quan...

Ngành còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan thông qua hoạt động hợp tác tiếp cận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công, bài học hay, xu hướng phát triển… trong phát triển và hiện đại hóa Hải quan. Song song với đó tìm kiếm và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho quá trình phát triển. Không những thế, ngành chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng xu thế, nắm bắt thời cơ trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch, chiến lược phát triển, kết hợp với định hướng phát triển đất nước qua từng giai đoạn, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến, xu hướng phát triển của thương mại thế giới… để có những bước đi phù hợp trong cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan.

Tổng cục Hải quan khẳng định, một kinh nghiệm không thể thiếu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan, không những đối với công chức ngành Hải quan mà còn với cá nhân, tổ chức, các bên có liên quan. Thông qua đó giúp từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về cải cách, phát triển, hiện đại hóa Hải quan trong nội bộ ngành Hải quan và đối với cả các cơ quan, tổ chức có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp; lan tỏa những kết quả, thành tựu về phát triển Hải quan sâu rộng trong toàn xã hội.

Đọc thêm