Ngành Hải quan cần tiên phong chuyển đổi số - Bài 3: Cần sự đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa hải quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua Hội nghị và Triển lãm Công nghệ 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt xu hướng và thành tựu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Từ đó, xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành cùng với cơ quan Hải quan trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa hải quan.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tại gian trưng bày của Tổng cục Hải quan. (Ảnh: PV)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tại gian trưng bày của Tổng cục Hải quan. (Ảnh: PV)

Tạo ra nhiều thay đổi lớn

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm Công nghệ 2023 của WCO (do Tổng cục Hải quan đăng cai tổ chức), Tổng Thư ký WCO Kunio Mikuriya nhấn mạnh, những năm qua, thế giới đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19. Chúng ta đã thấy được những thay đổi, đặc biệt là tầm quan trọng của cơ quan Hải quan trong chuỗi cung ứng thương mại xuyên biên giới. Ngoài ra, chủ đề chuyển đổi số, công nghệ đã tạo ra những thay đổi lớn trên toàn thế giới.

Vì vậy, Hội nghị và Triển lãm Công nghệ 2023 của WCO là nơi hội tụ các cơ quan Hải quan, cơ quan liên quan, doanh nghiệp (DN) công nghệ, đối tác hải quan được WCO mời tham dự nhằm chia sẻ về công nghệ. Từ đó, các cơ quan Hải quan thành viên có thể xem xét nhu cầu để áp dụng các thành tựu khoa học vào hoạt động thực tiễn. Cơ quan Hải quan áp dụng công nghệ tiên tiến sẽ đóng góp vai trò quan trọng vào bảo vệ xã hội. Đồng thời, cơ quan Hải quan cũng đóng vai trò không nhỏ vào việc hỗ trợ thông quan hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu qua việc ứng dụng công nghệ. Các DN công nghệ cũng đã cung cấp nhiều giải pháp để cung ứng, hỗ trợ cho hoạt động của cơ quan Hải quan đạt hiệu quả tối đa.

Về một trong ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO đối với Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, thông qua Hội nghị, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN có điều kiện nắm bắt xu hướng và thành tựu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Từ đó, xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành cùng với cơ quan Hải quan trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa hải quan.

Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại, quản lý hải quan

Trong khuôn khổ Triển lãm, nhiều tập đoàn, công ty công nghệ lớn đã giới thiệu các giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hải quan và thương mại. Cụ thể, về tạo thuận lợi thương mại: giải pháp chuỗi khối trong vận tải, thương mại, dịch vụ (của Cargo X); ứng dụng công nghệ trong dịch vụ cung ứng (của Crimson Logic, Geodis); cơ chế một cửa (của GUUD International); ứng dụng AI trong phát triển thương mại (của Webb Fontaine).

Về quản lý hải quan: thiết bị soi chiếu (của S2 Global, Rapiscan, Smiths Detection); niêm phong điện tử cảm biến công nghệ định vị (của Ascent Solutions Pte); công nghệ AI trong phân tích thông tin hàng hóa đến trước (của Publican); công nghệ AI ngăn chặn hàng giả (của Counter Check); giải pháp về an ninh và kiểm tra (của NucTech); giải pháp về an ninh, chống buôn lậu và gian lận thương mại (của Leidos); giải pháp về quản lý rủi ro, tăng cường tuân thủ (của Cargoes, GTS); ứng dụng khoa học dữ liệu (của Nexyte); ứng dụng phần mềm nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ quan hải quan (của Microsoft).

Còn tại Phiên toàn thể 6 “Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số: Các bài học thành công” trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của WCO, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương đã có những trao đổi về ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) của Hải quan Việt Nam và cơ quan Hải quan các nước thành viên ASEAN.

Theo ông Phạm Duyên Phương, việc kết nối ASW là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cộng đồng. Đặc biệt, việc thực hiện và kết nối Cơ chế một cửa giúp giảm thời gian thông quan, chi phí cho cộng đồng DN.

Liên quan đến thực hiện ASW, theo Tổng cục Hải quan, cơ quan Thường trực Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), hiện nay, Việt Nam duy trì kết nối chính thức ASW để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên. Đồng thời, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch.

Việt Nam cũng chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023; trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Về triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh Kinh tế Á - Âu giai đoạn 1, tiếp tục phối hợp để tiến hành giai đoạn 2. Tổng cục Hải quan cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam để triển khai trao đổi thử nghiệm chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.

Ngoài ra, đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) với Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc nhằm tạo thuận lợi trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do. Hiện tại các bên đang tiếp tục hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Về NSW, từ khi triển khai đến ngày 15/8/2023, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối NSW; tổng số lượng hồ sơ được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đạt gần 6,67 triệu bộ, của hơn 64.700 DN.

Đọc thêm