Ngành Hải quan: Nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng, hạn chế phát sinh nợ mới Kỳ 2: Kết hợp hài hòa biện pháp 'cứng rắn' và 'mềm dẻo'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, ngành Hải quan đã chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ quá hạn để có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; bảo đảm công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ được đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Công chức Hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: PV)
Công chức Hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: PV)

Nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười”

Nhằm “kìm” nợ thuế xuống mức thấp nhất, Tổng cục Hải quan đã chú trọng chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương áp dụng nhiều biện pháp rốt ráo để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp (DN) chây ỳ nợ.

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Cục Hải quan tỉnh, TP thực hiện thu hồi nợ thuế trên cơ sở kiểm tra công tác phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các Cục Hải quan tỉnh, TP; chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.

Về phía địa phương, các Cục Hải quan tỉnh, TP cũng theo dõi chặt chẽ các khoản nợ; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì… thu không được, xóa cũng chẳng xong.

Điển hình phải kể đến trường hợp tại Cục Hải quan Lạng Sơn có vướng mắc về hồ sơ xóa nợ của Công ty TNHH Đức Trà nợ thuế do ấn định thuế sau thông quan tại Chi cục Kiểm tra sau thông quan với số tiền trên 8,4 tỷ đồng. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, khoản nợ của Công ty TNHH Đức Trà phát sinh từ năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm. Cục Hải quan Lạng Sơn đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc, cưỡng chế như dừng làm thủ tục hải quan, cưỡng chế tài khoản tiền gửi, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn không thể thu hồi được nợ.

Qua quá trình xác minh, Cục Hải quan Lạng Sơn nhận thấy Công ty TNHH Đức Trà được cấp giấy đăng ký kinh doanh năm 2010, chủ sở hữu DN là ông Nguyễn Cảnh Tuấn. Năm 2015, ông Nguyễn Cảnh Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp tại Công ty TNHH Đức Trà cho ông Nguyễn Cảnh Phụ.

Nội dung hợp đồng quy định ông Nguyễn Cảnh Phụ “hưởng mọi quyền và nghĩa vụ liên quan đến Công ty TNHH Đức Trà theo phần vốn góp mới”, song hợp đồng không đề cập đến trách nhiệm của ông Nguyễn Cảnh Phụ đối với khoản nợ thuế cũ của Công ty TNHH Đức Trà.

Điều đáng nói, cuối năm 2015, ông Nguyễn Cảnh Phụ chết, Chi cục Thuế quận Đống Đa (Hà Nội) nơi DN đăng ký trụ sở thông báo về việc DN giải thể nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mã số thuế đối với Công ty TNHH Đức Trà.

Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 quy định các trường hợp được xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhưng người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể...

Tuy vậy, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, số nợ thuế của Công ty TNHH Đức Trà tính đến ngày 1/7/2020 (ngày Luật Quản lý thuế có hiệu lực) chưa quá 10 năm kể từ ngày phát sinh nợ nên không thuộc trường hợp được xem xét xóa nợ theo quy định. Do đó, tháng 5/2021, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tiến hành thủ tục khoanh nợ đối với khoản nợ thuế của Công ty TNHH Đức Trà.

Ưu tiên biện pháp “mềm dẻo”

Mặc dù pháp luật đã quy định biện pháp “cứng rắn” như dừng làm thủ tục, cấm xuất cảnh… và trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các biện pháp này là cần thiết, song theo đại diện Cục Thuế XNK, hiện nay, các biện pháp “mềm dẻo” vẫn được một số đơn vị hải quan ưu tiên triển khai như cử cán bộ, công chức đến những địa phương mà DN nợ tiền thuế có trụ sở đăng ký kinh doanh để phối hợp với chính quyền, cơ quan Công an địa phương trực tiếp đến đôn đốc, yêu cầu DN ký cam kết thời hạn nộp tiền nợ thuế.

Trong đó, các biện pháp “mềm dẻo” được thực hiện với phương châm cơ bản là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế nói chung và chấp hành nộp thuế nói riêng; đôn đốc thường xuyên và kịp thời để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; nghiêm túc thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế; tạo điều kiện thuận lợi để những người nộp thuế gặp khó khăn khách quan có điều kiện thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Đánh giá các biện pháp thu nợ, quản lý nợ thuế của ngành Hải quan trong thời gian vừa qua, đại diện Cục Thuế XNK cho rằng, các biện pháp đã áp dụng phù hợp điều kiện thực tiễn. Việc đôn đốc thu nộp thuế đang được cơ quan Hải quan thực hiện đúng Luật và phù hợp với các đối tượng trên cơ sở phân loại đối tượng nợ thuế để có biện pháp xử lý phù hợp và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý nợ thuế.

Ngày 26/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ, xóa nợ thuế đối với những đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nợ tồn đọng, qua đó, không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi trước ngày 1/7/2020.

Đọc thêm