Tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa thông quan
Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch giúp đơn giản hóa phương thức giao nhận hàng hóa nhập khẩu (NK), tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng xuất khẩu (XK) hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại khu vực biên giới phía Bắc. Thống kê cho thấy, kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch đã giúp kim ngạch XK của Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc tăng gần gấp 3 lần; Hải quan một số cửa khẩu đã tăng thời gian làm việc trong ngày để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua biên giới.
Triển vọng và tiềm năng XK nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong năm 2023 còn rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá, nông sản Việt Nam XK đang phải chịu 2 hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Trước những khó khăn đó, chia sẻ tại Hội thảo “XNK nông sản qua biên giới trong bối cảnh mới: Thực trạng và giải pháp” mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh: Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã nỗ lực không ngừng nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa XK, nhất là hàng nông sản XK; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan XK hàng hóa cho doanh nghiệp (DN).
Trong đó, để thúc đẩy hoạt động XK nông sản, cơ quan Hải quan đã thường xuyên tổ chức đối thoại DN, tư vấn hỗ trợ DN XK nắm rõ về những quy định của các nước về kiểm dịch, về tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế cấp phép, thủ tục thanh toán, bảo hiểm. Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản XK tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa XK là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan XK hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN…
Chung tay tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt
Để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nông sản XK, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng nông sản Việt Nam, theo Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, đối với việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản XK, cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm tại các cửa khẩu thì cơ quan Hải quan luôn bố trí cán bộ giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa XK ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; phối hợp với các DN kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của DN trong thời gian chờ XK. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin, khuyến cáo kịp thời tới các DN XK hàng nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị Hải quan cửa khẩu đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức của DN trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng nông sản; tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, hỗ trợ thông tin pháp lý về pháp luật hải quan, chính sách quản lý hàng nông sản XK để người khai hải quan biết, thực hiện, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Về phía DN, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, các DN sản xuất chế biến nông sản XK cũng cần nâng cao chất lượng hàng nông sản phù hợp với các cam kết Hiệp định của Việt Nam đang thực thi và các thị trường đối tác quan trọng; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường XK nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống; liên hệ chặt chẽ với cơ quan Hải quan chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, giúp mở rộng thị trường XK.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; kết hợp các biện pháp vật lý, sinh học và hóa học vào bảo quản nông sản dần thay thế biện pháp bảo quản hàng hóa để khi chờ làm thủ tục hải quan, hàng nông sản vẫn đảm bảo chất lượng, giữ được nguyên vẹn hình thức, đảm bảo yêu cầu của nước NK. Hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ XK.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan khuyến nghị các DN khi làm thủ tục XNK, nhất là đối với mặt hàng nông, thủy sản như cần nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của nước NK; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai.