Nêu cao tinh thần, trách nhiệm đảng viên
Năm 2020, Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 338.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với dự toán năm 2019.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngày 21/1/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 1040/CT-TCHQ về triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2020. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã đưa ra 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong toàn Ngành với mục tiêu, quyết tâm đạt và vượt mức dự toán được giao.
Để đồng hành cùng với chỉ đạo của chính quyền, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan vừa ban hành Nghị quyết về việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.
Theo Nghị quyết này, Đảng ủy Tổng cục Hải quan yêu cầu cấp ủy các chi, đảng bộ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác gương mẫu thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xác định hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổng cục Hải quan nói chung và của mỗi cán bộ đảng viên, công chức hải quan nói riêng.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Theo Nghị quyết, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.
Đồng thời, đánh giá tác động ảnh hưởng tới NSNN của việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA); nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN; chủ động theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 và các cam kết hội nhập quốc tế ảnh hưởng đến NSNN để đề xuất, báo cáo lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ Tài chính. Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, đưa ra các giải pháp thu hồi nợ phù hợp; đôn đốc, theo dõi từng tháng, quý tình hình thu hồi và xử lý nợ thuế. Đặc biệt, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ mới.
Rà soát, thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và DN có khả năng rủi ro cao về trị giá… Thực hiện thống nhất công tác phân loại, xác định mã số và áp dụng mức thuế, kịp thời có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn phân loại thống nhất đối với các trường hợp áp dụng mã số, mức thuế không đúng quy định; kiểm tra công tác miễn, giảm, hoàn thuế không thu thuế theo quy định của pháp luật về thuế…
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) từ khâu trước khi hàng đến, trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau khi hàng hóa đã thông quan, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhưng vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tiếp tục triển khai mở rộng phạm vi toàn quốc Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển VASSCM, trong đó tập trung vào các kho ngoại quan, các địa điểm kho bãi trong nội địa; triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành…
Ngoài ra, các đơn vị địa phương cần thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung vào các mặt hàng XNK có điều kiện như rượu ngoại, xăng dầu…