Ngành Hải quan tập trung xử lý nợ thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, TP tập trung rà soát các hồ sơ quản lý nợ nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ thuế đạt chỉ tiêu giao.
Công chức Hải quan rà soát nợ thuế. (Ảnh T.H)
Công chức Hải quan rà soát nợ thuế. (Ảnh T.H)

Tăng cường quản lý nợ trong một số trường hợp

Trước đó, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn, tiền chậm nộp thuế; tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp vi phạm hành chính đối với các khoản nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2024 của các tờ khai đã thông quan/giải phóng hàng tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 cho các Cục Hải quan tỉnh, TP và Cục Kiểm tra sau thông quan.

Vì vậy, để triển khai hiệu quả các biện pháp, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện công tác quản lý nợ đối với các trường hợp tờ khai giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản.

Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, TP chỉ đạo Chi cục Hải quan kiểm tra, rà soát kịp thời tờ khai giải phóng hàng chờ kết quả tham vấn giá, kết quả phân tích phân loại, giám định, đưa hàng về bảo quản, chậm duyệt tờ khai bổ sung hoặc chưa duyệt tờ khai bổ sung, thực hiện tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định.

Các bộ phận nghiệp vụ thường xuyên phối hợp với bộ phận kế toán thuế xuất nhập khẩu kiểm tra đối chiếu số liệu phát sinh trong kỳ kế toán trước khi đóng kỳ kế toán. Bảo đảm số liệu theo dõi chi tiết của bộ phận nghiệp vụ phải phù hợp với số liệu tổng hợp của bộ phận kế toán khi đóng kỳ kế toán theo quy định tại Điều 18 Thông tư 174/2015/TT-BTC.

Áp dụng các biện pháp cưỡng chế

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế theo quy định tại Điều 124, 125 Luật Quản lý thuế 2019. Trường hợp người nộp thuế nợ quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn, thời hạn nộp dần tiền thuế, hết thời gian nộp phạt vi phạm hành chính thì cơ quan Hải quan phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế để đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các hồ sơ quản lý nợ để thực hiện các biện pháp cưỡng chế hoặc đã hết hiệu lực của biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu hồi được nợ hoặc thu hồi nợ chưa đủ để tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo. Trường hợp biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế không hiệu quả, cơ quan Hải quan chuyển sang biện pháp cưỡng chế tiếp theo.

Qua rà soát tại Tổng cục Hải quan, hiện nay có tình trạng người nộp thuế có nợ thuế của nhiều tờ khai nhưng chưa được phân loại nợ ở 2 nhóm nợ khác nhau (nhóm nợ khó thu và nhóm nợ có khả năng thu). Bên cạnh đó, người nộp thuế được phân loại vào nhóm nợ khó thu nhưng khi hết thời hạn tạm dừng kinh doanh, đã quay trở lại hoạt động mà cơ quan Hải quan chưa thực hiện phân loại lại sang nhóm nợ có khả năng thu. Do đó, Tổng cục yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, TP chỉ đạo các chi cục phải thường xuyên rà soát, phối hợp cùng các cơ quan chức năng có liên quan, thực hiện xác minh lại tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để phân loại lại đúng nhóm nợ.

Đối với xử lý nợ thuế tạm thu, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp người nộp thuế có tờ khai phải nộp thuế tạm thu nhưng chưa thực hiện thanh khoản thuế theo quy định mà đang nợ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng...), các đơn vị căn cứ vào khoản 5 Điều 35 Thông tư 194/2010/TT-BTC và Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC để xử lý thuế tạm thu và theo dõi nợ thuế chuyên thu theo quy định.

Đọc thêm