Ngành kinh tế chủ lực giúp Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp và thương mại lớn

(PLVN) - 70 năm sau ngày giải phóng (13/5/1955), ngành Công thương Hải Phòng đã đạt được những thành tựu quan trọng trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần đưa thành phố Cảng trở thành một trung tâm công nghiệp và thương mại lớn của cả nước.
Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển hàng đầu khu vực.

Trong giai đoạn hiện nay (năm 2021 – 2025), sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng thuộc nhóm địa phương có quy mô công nghiệp lớn cả nước và đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị tăng thêm công nghiệp năm 2025 ước đạt 250.000 tỷ đồng, gấp 2,10 lần so với năm 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,36%/năm.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 46% năm 2020 lên dự kiến 68% năm 2025, phát triển theo đúng định hướng. Tiếp tục thu hút được các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực điện, điện tử; có những sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: máy phát điện gió, dây dẫn điện, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh… TP Hải Phòng đã có dòng sản phẩm ô tô điện, xe bus điện thân thiện môi trường, lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Bắc Châu Mỹ.

Cùng với đó, TP Hải Phòng cũng triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics với khu vực cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối với các vành đai, hành lang kinh tế, theo kế hoạch, quy hoạch đã đề ra.

Hiện nay, thành phố có 2 trung tâm logistics đi vào hoạt động: Trung tâm Logistics Green (KCN Đình Vũ), và Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN Đình Vũ) và 02 trung tâm đang xây dựng: Dự án Trung tâm Dịch vụ Thương mại và logistics cảng cửa ngõ CDC Hải Phòng, Trung tâm logistics thuộc khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C3).

Cũng trong giai đoạn này, Hải Phòng đã thu hút được các dự án lớn có bước phát triển đột phá về kinh tế dịch vụ là: Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall Hải Phòng Lê Chân chính thức mở cửa hoạt động năm 2020, đây là trung tâm thương mại lớn nhất thành phố. Ngoài ra, các dự án thương mại triển khai: Dự án Trung tâm thương mại chợ Sắt mới tại quận Hồng Bàng; Trung tâm Thương mại tại Khu TM8 đường Hồ sen cầu rào 2; Dự án trung tâm thương mại Hoàng Huy, Kênh Dương, Lê Chân; các trung tâm thương mại tại các khu đô thị, chung cư mới khu nhà ở xã hội.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hải Phòng tăng trưởng bình quân 11,93%/năm, luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước và đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.

TP Hải Phòng cũng ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, cảng biển và logistic

Phương thức kinh doanh thương mại hiện đại tiếp tục phát triển, góp phần đảm bảo cho thương mại Hải Phòng có một diện mạo mới, từng bước chủ động hội nhập với thương mại khu vực và quốc tế, có tác dụng thu hút và lan tỏa tới thị trường các tỉnh vùng Duyên Hải - Bắc Bộ và thị trường khu vực. Chỉ số thương mại điện tử của Hải Phòng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; năm 2024, chỉ số thương mại điện tử của Hải Phòng là 36, bình quân chung cả nước là 23; đứng thứ 5/58. Chủ động hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do.

Về xuất, nhập khẩu, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 12,75%/năm và đến năm 2025 dự kiến đạt 37 tỷ USD, hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, từ 133 thị trường năm 2020, đến nay đã tăng lên 142 thị trường. Giá trị kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đạt 126.551,78 triệu USD, tăng trưởng bình quân 12,52%/năm.

Theo đó, định hướng xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp Hải Phòng tiếp tục vai trò quan trọng, là một trong những ngành chủ đạo trong các ngành kinh tế địa phương. Đổi mới cách thức tăng trưởng công nghiệp từ chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Đọc thêm