Đường Thái Lan sẽ đi đường... lớn vào Việt Nam
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hàng năm số lượng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam lên đến hàng trăm ngàn tấn, khiến cho ngành Mía đường Việt Nam rất khó khăn trong việc cạnh tranh tại thị trường trong nước.
Ngày 1/1/2020 tới đây, các điều khoản cam kết liên quan đến mía đường của ATIGA chính thức thực thi. Điều này đồng nghĩa với việc đường Thái Lan trước đây vốn phải nhập lậu thì nay đàng hoàng tiến vào thị trường Việt Nam, trở thành một thách thức thực sự lớn đối với ngành đường trong nước.
Trước giờ G, rất nhiều cuộc hội thảo để cứu ngành Mía đường đã được tổ chức, nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế trong nước và thế giới cũng được đưa ra với mục đích duy nhất “giúp ngành Mía đường chống “sốc” với ATIGA”. Thậm chí, nhiều văn bản đề cập đến việc xem xét hoãn thực thi cam kết ATIGA cho ngành Mía đường cũng đã được gửi đi...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là nước cuối cùng thực thi ATIGA. Các nước ASEAN đều phản ứng rất mạnh và thậm chí có nguy cơ họ sẽ phản ứng bằng hình thức trừng phạt hoặc là rút lại những cam kết mở cửa thị trường trong các lĩnh vực khác đối với Việt Nam ở thời điểm Việt Nam có văn bản lùi thời hạn thực thi ATIGA. Do đó, thời hạn 01/01/2020 không thể lùi được nữa.
“Theo luật, chúng ta có quyền áp dụng cơ chế phòng vệ, áp thuế tự vệ cho các sản phẩm nhập khẩu (NK) để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân nếu xảy ra trường hợp ngành sản xuất trong nước bị đe doạ nghiêm trọng sau khi mở cửa thị trường. Do đó, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với VSSA và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các chủ thể trong ngành Công nghiệp mía đường để có những giải pháp cụ thể và kịp thời” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Với các cam kết ATIGA, Thái Lan là quốc gia duy nhất hưởng lợi do giá đường Thái Lan ở các thị trường nội khối đang thấp nhất, thậm chí thấp hơn giá sản xuất tại Thái Lan. Doanh nghiệp mía đường và người nông dân Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi “cơn bão ATIGA” có thể thổi bay những nỗ lực trong suốt hàng chục năm qua…
Kinh nghiệm từ 2 thị trường ASEAN
Indonesia và Philippines thực thi các cam kết ATIGA trước Việt Nam vài năm đã chia sẻ một vài kinh nghiệm để “chống bão” ATIGA. Theo đại diện Cục Quản lý đường Philippines, nước này có một số đạo luật chuẩn bị cho ngành Mía đường hội nhập ATIGA, trong đó có đạo luật về thẩm quyền và nhiệm vụ của cơ quan quản lý ngành Mía đường.
Theo luật này, Philippines có quyền quyết định khối lượng cũng như phân loại đường có thể NK vào Philippines. Ngoài ra còn có đạo luật giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành Mía đường trong nước như phân bổ ngân sách hỗ trợ, có chương trình ưu đãi tín dụng đối với DN mía đường... “Vì chúng tôi không thể cạnh tranh được với Thái Lan nên chúng tôi phải có chính sách hỗ trợ người nông dân” - đại diện Cục Quản lý đường Philippines nói.
Vị này cũng khẳng định, đa phần các nước trên thế giới đều đang tăng trợ cấp cho ngành sản xuất mía đường, kể cả Thái Lan. Nhờ đó, họ mới có thể xuất khẩu với mức giá thấp như vậy. Do đó, Chính phủ cũng cần cân nhắc vấn đề này.
Còn ông Dwi Purnomo Putranto, Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà máy đường Indonesia cho biết, Chính phủ nước này quy định mức giá tối thiểu để bảo vệ người nông dân trồng mía, đồng thời cũng quy định mức trần để bảo vệ người tiêu dùng. Indonesia có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ và nước này cũng đang tính đến việc tự cung tự cấp đường bằng cách nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo đại diện VSSA, 4 năm nay cả Chính phủ Indonesia và Philippines đều sử dụng những biện pháp rất mạnh để điều chỉnh thị trường đường nội địa hướng đến bảo vệ nông dân trồng mía và các nhà máy trong nước. Đặc biệt là chính sách phân chia hạn ngạch nội địa của Philippines đã trở thành tấm khiên lớn ngăn dòng đường Thái Lan ồ ạt tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Philippines chỉ cho tiêu thụ đường NK vào thời điểm lượng đường trong nước thiếu hụt.
Indonesia luôn bảo đảm giá đường và giá mía ở mức hợp lý trên cơ sở bảo đảm người nông dân có lãi, đồng thời kiểm soát đường NK nhằm ngăn chặn đường giá rẻ thẩm lậu vào thị trường trong nước; Lượng đường NK chỉ có thể nhập vào tương đương với lượng đường thiếu hụt.
Với những kinh nghiệm từ các nước trong khối ASEAN, các chuyên gia kinh tế hy vọng ngành Mía đường sẽ trụ vững trước thách thức mới. Còn các doanh nghiệp mía đường bên cạnh nội lực cũng rất cần những chính sách kịp thời, hữu hiệu từ Chính phủ.