Mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, các chỉ tiêu chủ yếu tổng hợp của ngành nông nghiệp năm 2018 đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. Cụ thể, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây, giá trị sản xuất tăng 3,86%.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; kim ngạch XK 40,02 tỷ USD. Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều).
Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những yếu kém và nhiều thách thức. Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương.
Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập; việc “giải cứu” thịt lợn là bài học sâu sắc; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; sản phẩm cây công nghiệp giá cả bất lợi; thiên tai, bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục được dự báo diễn ra nghiêm trọng hơn.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.
Năm 2019, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch XK khoảng 42 - 43 tỷ USD; có 48 - 50% xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.
Phục vụ tốt hơn nữa cho thị trường trong nước
Đánh giá cao kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “để có được thành tích đáng ghi nhận đó, chúng ta không được quên bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2018, ngành nông nghiệp đã có nhiều điểm sáng, nhiều điểm mới, đạt nhiều thành tích xuất sắc, toàn diện. Cuộc sống, đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, kể cả vùng bị ảnh hưởng thiên tai đã được cải thiện, nâng cao đáng kể.
Thiệt hại do thiên tai đã giảm 1/3 so với năm 2017 là một thành tích đáng ghi nhận. Cần tiếp tục phát huy hơn nữa phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đối với thiên tai để giảm thiểu rủi ro xuống thấp nhất, không lơ là, chủ quan trước bất cứ loại hình thiên tai nào.
Cho rằng việc XK nông sản đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, là thành tích ngoạn mục, Thủ tướng cho rằng, tái cơ cấu ngành đang đi đúng hướng. Đặc biệt, gần 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp là con số rất ấn tượng.
Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương trong vấn đề mở rộng thị trường mới, giữ vững các thị trường cũ, tìm hướng ra cho sản phẩm của bà con nông dân đã được hai bộ là Bộ NN&PTNN và Bộ Công Thương phối hợp tốt.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý về việc tháo gỡ các vướng mắc, “nút thắt” về pháp lý trong các lĩnh vực để DN yên tâm đầu tư, bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Theo Thủ tướng, “Việc XK là quan trọng nhưng thị trường trong nước còn quan trọng hơn nữa. Người dân được phục vụ tốt, sản phẩm an toàn chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp không chỉ trong năm 2019 mà lâu dài”.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, 38% lao động nông thôn hiện nay là số lượng lớn nên cần áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn nữa để chất lượng nông sản được nâng cao nhưng giảm bớt lao động chân tay.
Trong khi đó, cơ cấu ngành còn chưa đồng bộ; việc tổ chức sản xuất, liên kết giữa nhà sản xuất và DN còn chưa phổ biến. Ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu ngành mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng các sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực địa phương để phát triển bền vững; Làm tốt công tác dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thành thương hiệu quốc gia; Ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nắm bắt xu thế thời đại, nhất là trong công nghệ chế biến các sản phẩm nông sản; Xây dựng nông thôn mới gắn liền với vấn đề cải thiện đời sống người nông dân; Chủ động ứng phó, dự báo thiên tai trong năm 2019...
Thủ tướng nói, “Chúng ta cần thay đổi tư duy vì nhiều nơi vẫn còn con trâu đi trước, cái cày theo sau. Có như vậy mới đưa ngành nông nghiệp vươn lên trở thành 15 quốc gia có nền nông nghiệp lớn của thế giới”.