Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động quan trọng của tư pháp nói chung và hoạt động giải quyết vụ án nói riêng, nhằm đưa bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành; là giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết vụ án. Thi hành án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân, đồng thời góp phần phản ánh đầy đủ và sâu sắc nhất bản chất của một nền công lý, biểu hiện tập trung của quyền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX ngày 6/10/1992 về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang cơ quan thuộc Chính phủ; căn cứ quy định của pháp luật, ngày 15/6/1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 247/QĐ-BQP thành lập Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng (nay là Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng) trực tiếp chỉ đạo nhận bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án quân sự các cấp sang cơ quan thi hành án và thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội từ tháng 6/1993.
Tiếp đó, ngày 16/6/1993, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 430/QĐ-TM thành lập Phòng Thi hành án thuộc các Quân khu, Quân chủng Hải quân và Quân khu Thủ đô (nay là Phòng Thi hành án Bộ Tổng Tham mưu).
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự trong Quân đội gồm: Ở Bộ Quốc phòng có Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng; ở quân khu và tương đương có Phòng Thi hành án quân khu và tương đương là cơ quan thi hành án trực thuộc quân khu và tương đương. Ngày 29/8/2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 3596/QĐ-BQP công nhận Ngày truyền thống ngành Thi hành án Quân đội là ngày 15/6/1993.
Từ khi thành lập đến nay, ngành Thi hành án Quân đội đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng, góp phần quan trọng giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, kỷ luật Quân đội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Được thể hiện trên một số kết quả chính sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tích cực, chủ động nghiên cứu, thực hiện tốt công tác tham mưu với Quân ủy Trung ương, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội. Phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp trình Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ban hành các thông tư; trực tiếp hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị định về thi hành án dân sự trong Quân đội.
Hai là, thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự trong Quân đội có hiệu quả; thường xuyên, tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh quân khu, Quân chủng Hải quân giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp và những vụ việc tồn đọng lâu năm thuộc diện không có điều kiện thi hành; ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự; bảo đảm 100% các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực được ra quyết định và tổ chức thi hành đúng pháp luật.
Ba là, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp về thi hành án theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) và Kế hoạch cải cách tư pháp của Bộ Quốc phòng; đã xây dựng kế hoạch cải cách tư pháp của Ngành báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Quốc phòng và triển khai thực hiện; xây dựng Đề án “Mô hình tổ chức biên chế ngành Thi hành án dân sự trong Quân đội đến năm 2020”. Thường xuyên tiến hành việc tổng kết, xây dựng kế hoạch cải cách tư pháp, cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi hành án dân sự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của Ngành.
Bốn là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên cả về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ tự nghiên cứu học tập. Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên có trình độ đại học trở lên, yên tâm công tác, có tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Năm là, thực hiện nghiêm chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước, Quân đội đối với chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký và cán bộ làm công tác thi hành án. Đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện cho hoạt động thi hành án dân sự trong Quân đội; đến nay, trụ sở làm việc của cơ quan quản lý thi hành án và các cơ quan thi hành án trong Quân đội cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong tiến trình cải cách tư pháp.
Sáu là, cùng với việc lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên kết hợp với xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Những thành tích hoạt động thi hành án những năm qua đã tô thắm truyền thống 25 năm của ngành Thi hành án Quân đội; với thành tích đó, toàn Ngành đã được Chủ tịch nước tặng thưởng ba Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và hạng Ba; sáu Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ban Chấp hành Đảng bộ và Thủ trưởng các cấp khen thưởng thành tích và tặng các danh hiệu thi đua.
Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, để góp phần nhiều hơn nữa trong thi hành án dân sự cả nước và xây dựng Quân đội; ngành Thi hành án Quân đội đã và đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 48, 49 và Kết luận 92 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 67 của Quân ủy Trung ương về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án trong Quân đội; tích cực xây dựng và tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về thi hành án dân sự tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thi hành án dân sự trong Quân đội đạt hiệu quả, thiết thực.
Thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bảo đảm 100% bản án, quyết định của Toà án quân sự chuyển giao, yêu cầu thi hành án của đương sự, hồ sơ thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự địa phương uỷ thác đến được ra quyết định và tổ chức thi hành kịp thời, đúng pháp luật; chú trọng tổ chức thi hành đối với những việc tồn đọng có số tiền phải thi hành lớn, có yếu tố nước ngoài; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về thi hành án.
Thứ hai, chủ động tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành trong sạch vững mạnh, đủ số lượng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng bảo đảm nhu cầu vật chất thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Giải quyết đơn, thư của đương sự kịp thời, đúng pháp luật; không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài. Kịp thời trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát quân sự đúng thời hạn luật định.
Thứ ba, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn về mọi mặt, nhất là công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.