Ngành thức ăn chăn nuôi: Nhiều tiềm năng trong bối cảnh dịch bệnh

(PLVN) - Bất chấp khó khăn dịch bệnh, thiên tai, ngành thức ăn chăn nuôi  tại Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những ngành đầy tiềm năng khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 5 -6%/năm. 
Dây chuyền sản xuất TACN  tại Công ty cổ phần CP Việt Nam- DN đứng đầu trong Top 10 công ty TACN uy tín Việt Nam năm 2020.
Dây chuyền sản xuất TACN tại Công ty cổ phần CP Việt Nam- DN đứng đầu trong Top 10 công ty TACN uy tín Việt Nam năm 2020.

Khảo sát mới đây của Vietnam Report cũng cho thấy  57,1% doanh nghiệp ngành này cho biết sẽ duy trình tốc độ tăng trưởng trong năm tới…

Đương đầu với dịch

Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) đã phải thu hẹp sản xuất. Trong năm 2019, Việt Nam đã chi hơn 3,7 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu, giảm 5,1% so với năm 2018. 

Năm 2020, cơn bão DTLCP cơ bản đã được kiểm soát, nhưng đến nay vẫn còn tác động dư âm đến ngành chăn nuôi. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm và đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó các nhà cung cấp nguyên liệu TACN lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nga… đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại, làm lộ rõ ra những bất cập của ngành TACN Việt Nam trong cung ứng nguyên liệu. 

Việc Chính phủ nhiều nước và Việt Nam thực hiện lệnh cách ly xã hội và các phương pháp kiểm soát dịch bệnh, khiến cho lưu thông tiêu thụ TACN trong nước cũng gặp khó khăn. Kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu về Việt Nam đạt 806 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 khó khăn của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp (DN) TACN. Đó là: Sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành (85,7%); Giá hàng hóa nguyên vật liệu, đầu vào tăng (71,4%); Nhu cầu tiêu thụ TACN giảm (57,1%); Nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn (57,1%); Thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh (42,9%). 

Trước những khó khăn đó, ngành chăn nuôi đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả đàn lợn đang dần khôi phục và một số loại gia cầm tăng trưởng tốt. Điều này đã giúp các công ty sản xuất TACN hoạt động có hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tổng kết của Tổng cục hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Triển vọng nào cho ngành thức ăn chăn nuôi?

Thị trường TACN được đánh giá đầy tiềm năng trong thời gian tới. Theo OECD, Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành TACN trong nước. Mặc dù giá thịt lợn có nhiều áp lực giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với năm trước. Với mức giá có lợi này, nông dân có động lực để khởi động lại DN và các trang trại thương mại để xây dựng lại đàn lợn của họ bằng các biện pháp an toàn sinh học tốt trong điều kiện có khả năng dịch tả tái phát.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành TACN trong năm tới, đã ghi nhận: 57,1% DN đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và chỉ có 14,3% tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút. Theo  Bộ Canh Nông Hoa Kỳ  (USDA), thị trường TACN Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% trong giai đoạn dự báo để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019. 

Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra 3 ba xu hướng nổi bật của ngành TACN, đó là: Đa dạng hóa sản phẩm; Tăng cường sử dụng công nghệ sinh học; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất và quản lý .

Áp lực cạnh tranh từ EVFTA không quá lớn!

Đánh giá về ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU. Các sản phẩm thịt lợn đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm, trong khi mức thuế trước đây từ 10%-40%. Tuy nhiên, thời gian qua thịt nhập khẩu giá rẻ nhưng đa phần người dân vẫn có thói quen tiêu dùng thịt nóng, do đó áp lực cạnh tranh từ  EVFTA mang lại không quá lớn.

Trong khảo sát của Vietnam Report, các DN TACN đánh giá mức độ ảnh hưởng của Hiệp định thương mại đến ngành ở mức vừa phải, đạt 3,3 trên thang điểm 5. Trong khi đó, các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến hoạt động của DN là: Sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình vận hành; Công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; Khả năng quản lý rủi ro trong DN; Tiềm lực tài chính là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến hoạt động kinh doanh của DN TACN.

Đọc thêm