Nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng
Theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Tổng cục Thuế, trong 9 tháng năm 2020, ngành thuế đã thu được 20.292 tỷ đồng, đạt 60% chỉ tiêu được giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý chiếm khoảng 8,5% tổng số thu nội địa. Trong đó, số nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh) chiếm 44% tổng số tiền thuế nợ (46.477 tỷ đồng), tăng 11,1% so với so với cùng kỳ năm 2019. Tiền thuế nợ có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày) chiếm 56% tổng số tiền thuế nợ (60.071 tỷ đồng).
Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân nợ thuế, ông Toản cho biết, nợ thuế đang có xu hướng tăng do những tháng đầu năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp - phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người nộp thuế (NNT) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD), dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nhưng NNT vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua một số NNT gặp phải sự cố không mong muốn như: thiên tai, bão lụt, bị hỏa hoạn, hoặc gặp trường hợp bất khả kháng khác, bản thân DN đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng do khó khăn trong SXKD, dẫn đến NNT không còn nguồn tài chính để nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách và phát sinh tiền chậm nộp thuế.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì vẫn còn một số NNT chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp khiến nợ thuế ngày càng tăng thêm.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo đại diện Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong những tháng cuối năm 2020, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD, nhiều DN bị thiệt hại phải giải thể, phá sản, không còn nguồn tài chính để nộp thuế cho ngân sách. Do đó công tác thu ngân sách, cũng như quản lý thu nói chung và thu nợ thuế nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, Tổng cục Thuế đang chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, các cục thuế, chi cục thuế cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN và người dân để khôi phục hoạt động SXKD; xử lý, giải quyết ngay việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.
Đối với những NNT bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. thiên tai, lũ lụt, cơ quan thuế cần hướng dẫn để NNT sắp xếp dòng tiền, phân kỳ, nộp dần tiền nợ thuế góp phần phục hồi SXKD.
Đối với những NNT không bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng cố tình chây ỳ, nợ thuế, không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, cơ quan thuế sẽ thực hiện nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ; công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế như: bỏ trốn, tấu tán tài sản nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm.
Trong 2 tháng cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức triển khai các đoàn công tác, đôn đốc thu nợ thuế và kiểm tra tình hình thực hiện xử lý nợ thuế tại các Cục Thuế địa phương có số nợ thuế lớn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có liên quan (như các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường) để thực hiện cưỡng chế, thu nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Song song với việc đôn đốc thu nợ, toàn ngành thuế đang đẩy mạnh việc thực hiện xử lý nợ thuế không còn khả năng thu theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội, trình các cấp có thẩm quyền, UBND, Bộ Tài chính khoanh nợ, xóa nợ thuế đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng.