Giải quyết nhiều điểm nóng về môi trường
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá năm 2016 vừa qua đất nước ta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như tình hình an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT đã nỗ lực, sáng tạo vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực được phân công. Nhiều điểm nóng về môi trường đã được giải quyết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý của ngành như: việc sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hiệu quả, còn tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước; tình trạng suy thoái tài nguyên, nhất là đất đai, nước, tài nguyên biển đang diễn ra nhanh dưới tác động của BĐKH và hoạt động sản xuất, sinh hoạt thiếu bền vững; ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp có chiều hướng gia tăng… Ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế.
Thỏa thuận toàn cầu mới về BĐKH mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo nhiều thách thức trong việc chuyển đổi công nghệ để cắt giảm phát thải theo cam kết. “Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT nhất là trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp... Đây là những trở ngại khiến bộ máy hành chính từ T.Ư đến địa phương hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân” – Bộ trưởng nhận định.
Thúc đẩy tích tụ ruộng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Vì vậy, trong năm 2017, ngành TN&MT sẽ đặt nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật tập trung vào những vấn đề nhân dân bức xúc. Đó là vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp Giấy chứng nhận (GCN) trong lĩnh vực đất đai; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản, trong các hoạt động xả thải vào nguồn nước và quy trình vận hành liên hồ chứa.
Song song với đó là tập trung cải cách hành chính, gắn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, lấy doanh nghiệp, người dân làm đối tượng phục vụ. Chấn chỉnh nâng cao kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu. Thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi đánh giá thống nhất từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia của người dân.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, tập trung đánh giá tình hình thực tiễn để hoàn thiện thể chế tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ đất trong nông nghiệp, đẩy mạnh cải cách TTHC; thúc đẩy tích tụ tập trung ruộng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Tập trung nghiên cứu các giải pháp tổng thể để đảm bảo an ninh nguồn nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; bảo vệ nước dưới đất...; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa. Giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và việc vận hành liên hồ chứa…
Bộ TN&MT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, diễn biến nhanh, phức tạp của vấn đề môi trường; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Xây dựng quy hoạch môi trường, điều chỉnh các quy hoạch về chất thải rắn, chất thải nguy hại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở, các khu vực có nguy cơ gây sự cố môi trường…
Bộ TN&MT cũng đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với khen thưởng, kỷ luật,… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm soát TTHC để rút ngắn được thời gian luân chuyển hồ sơ, giải quyết công việc, tiết kiệm chi phí. Các địa phương cần thiết lập được cơ chế tương tác để lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách, pháp luật, TTHC từ người dân và doanh nghiệp. Thiết lập hệ thống để người dân đánh giá sự hài lòng và công bố công khai mức độ xếp hạng của từng đơn vị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không cho đầu tư xây dựng các dự án không đảm bảo yêu cầu về xử lý môi trường. Các dự án làm xong chỉ được vận hành khai thác sử dụng khi có đủ cơ sở xử lý môi trường theo yêu cầu chất thải rắn, khí, nước thải, đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường. Đối với Formosa, yêu cầu Bộ phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường, công tác quản lý môi trường khi đáp ứng đủ điều kiện thì mới cho hoạt động theo đúng thiết kế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng phải kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm”.