Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cùng các đồng chí lão thành cách mạng; các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Ôn lại truyền thống của ngành Tòa án, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, ngay từ khi mới thành lập, các Tòa án Quân sự đã tổ chức tốt việc xét xử, kịp thời trừng trị bọn phản cách mạng, Việt gian, bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng và đảm bảo cho những sắc lệnh, quy định của Chính phủ đã ban hành phải được thực hiện nghiêm chỉnh.
Từ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất rồi đến sau năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại đại hóa, hội nhập quốc tế, các TAND cũng có những đổi mới quan trọng để đáp ứng tình hình thực tế và yêu cầu của cải cách tư pháp.
Từ năm 2002 đến nay, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã tạo một bước phát triển hết sức quan trọng, một bước ngoặt về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và các Tòa án nói riêng.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của đất nước, trong đạo luật gốc, cụ thể tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, một quyền lực quan trọng trong bộ máy nhà nước; “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “70 năm qua, các Tòa án đã xét xử nghiêm minh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự, góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong xét xử về dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, các Tòa án đã giải quyết công bằng, khách quan các tranh chấp, khiếu kiện, góp phần hóa giải các mâu thuẫn, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong xã hội và trong mỗi gia đình, bảo vệ các hoạt động, giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước”.
Chủ tịch nước cho biết, những thành tích của các TAND đã đạt được là rất to lớn, rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Mỗi thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các Tòa án phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: “Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Nhưng thế cũng chưa đủ. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.“Là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên phải nêu cao cái gương: phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo” - Chủ tịch nước căn dặn.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành TAND; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Chánh án đầu tiên của TANDTC Phạm Văn Bạch; trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Trần Kim Giám, nguyên Vụ Tổ chức Cán bộ, TANDTC.