Ngành Tư pháp Hải Phòng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

(PLVN) - Đó là thông tin được ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ bên lề Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác tư pháp năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021-2026. 
Điểm cầu tại TP Hải Phòng.
Điểm cầu tại TP Hải Phòng.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu Trung ương tại Hà Nội và điểm cầu địa phương tại 63 tỉnh, TP. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị.

Nhiều chuyển biến tích cực

Năm 2023, Hải Phòng quyết tâm đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tư pháp, bám sát chương trình, kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025. Các mặt công tác tư pháp đều có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của TP, của ngành Tư pháp.

Hải Phòng đã xây dựng các Đề án, Kế hoạch công tác và đề xuất nhiều giải pháp có giá trị để thực hiện tốt công tác tư pháp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Trong đó, tập trung triển khai Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP hàng năm của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.

Trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp, UBND TP đã ban hành Kế hoạch công tác tư pháp năm, nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó xác định rõ từng nội dung công việc trọng tâm, thời hạn thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp... Do vậy, công tác tư pháp của TP đã được triển khai một cách chủ động ở cả 3 cấp và tiến hành đồng bộ ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm.

Trong năm 2023, Hải Phòng đã ban hành 66 văn bản quy phạm pháp luật quy định chính sách đặc thù của TP và quy định chi tiết các nội dung Trung ương giao; công bố 117 văn bản hết hiệu lực, quyết định bãi bỏ 08 văn bản quy phạm pháp luật góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Sở Tư pháp đã xây dựng 50 số Phụ trương Pháp luật phát hành đều kỳ vào thứ Năm hàng tuần cùng Báo Hải Phòng; thực hiện 10 phóng sự phát thanh, truyền hình; phát hành 18 loại tờ gấp pháp luật;... Công tác xây dựng cấp xã chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào nền nếp với 209/217 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Sở Tư pháp cũng tham mưu, hướng dẫn việc áp dụng pháp luật để giải quyết 230 vụ việc khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án,... góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hóa tổ chức, hoạt động bổ trợ tư pháp, hiện nay, Hải Phòng có 470 người có chức danh bổ trợ tư pháp hoạt động tại 176 tổ chức bổ trợ tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý được 1.002 vụ việc, công chứng 133.232 việc, chứng thực 421.527 việc, giám định tư pháp 4.981 việc...

Hoạt động tư pháp tại Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực.

Hoạt động tư pháp tại Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, ngành Tư pháp đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đã và đang thực hiện hiệu quả 07 phần mềm, cơ sở dữ liệu; hơn 90% thông tin chỉ đạo, điều hành được xử lý trên môi trường mạng; tích cực triển khai thực hiện Đề án "Số hóa Sổ hộ tịch lịch sử", đã rà soát, phê duyệt được hơn 2.6 triệu dữ liệu (đạt 100%), chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hơn 2 triệu dữ liệu (đạt 76%) khối lượng Đề án; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin công chứng; toàn TP đã thực hiện chứng thực 66.951 bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; …

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp TP Hải Phòng vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tiến độ thực hiện xây dựng, trình ban hành văn bản QPPL vẫn còn chậm so với yêu cầu. Nhiều văn bản phải hoãn, lùi do phải chờ văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương. Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực thì việc hoàn thành các nhiệm vụ này còn khó đáp ứng được yêu cầu.

Việc đánh giá tác động của văn bản là nội dung khó nên việc báo cáo đánh giá tác động chưa đạt yêu cầu, do đó, ảnh hưởng nhiều đến quá trình soạn thảo, thẩm định và trình ban hành văn bản QPPL.

Thêm nữa, việc chia sẻ, kết nối và khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn rất hạn chế, cơ bản mới thực hiện một chiều ở việc nhận dữ liệu, chưa có chiều khai thác ngược lại đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp, thực hiện liên thông các thủ tục hành chính theo Đề án số 06 của Chính phủ.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam tại hội nghị.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam tại hội nghị.

Vẫn còn tình trạng cấp phiếu LLTP chậm. Nguyên nhân xuất phát từ việc quy định về thời gian giải quyết cấp Phiếu LLTP theo Luật LLTP hiện nay chỉ phù hợp với những trường hợp người được cấp Phiếu không có tiền án, tiền sự. Còn đối với trường hợp người được cấp Phiếu có tiền án, tiền sự cần xác minh làm rõ thông tin án tích hoặc các điều kiện đương nhiên xóa án tích thì thời hạn quy định như hiện nay là không đủ để thực hiện xác minh tại các cơ quan liên quan như Tòa án, Thi hành án dân sự, Công an, Trại giam .... Số lượng hồ sơ các cơ quan chậm trả lời, không trả lời dẫn đến chậm thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân chiếm 0,8%, tức quá hạn 250 hồ sơ.

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng nêu quan điểm: Để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, Hải Phòng đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Từ đó, có hướng dẫn về mô hình pháp chế tại các sở, ban, ngành cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm rà soát tổng thể pháp luật về lý lịch tư pháp và các quy định có liên quan của pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về lý lịch tư pháp bảo đảm phù hợp tình hình mới và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2024, Hải Phòng xác định một số giải pháp chủ yếu, trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, lề lối làm việc, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; trong đó chú trọng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, có tính khả thi cao, tránh chồng chéo, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hải Phòng cũng xây dựng kế hoạch kịp thời triển khai tổ chức thực hiện các Luật mới được Quốc hội thông qua liên quan đến hoạt động của ngành; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý việc ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật.

Để triển khai hiệu quả công tác tư pháp, Hải Phòng xác định nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra và thi đua khen thưởng bảo đảm linh hoạt là vô cùng quan trọng. Từ đó, ngành Tư pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, LLTP đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ có hiệu quả yêu cầu quản lý nhà nước.

Ngoài ra, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đối số trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu hỗ trợ trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Đọc thêm