Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả công tác đã đạt được trong năm 2013, những hạn chế cần khắc phục, đồng thời thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2014, nhất là các điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ.
Năm 2013, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ trì, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá toàn diện công tác tư pháp đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, của chính quyền, của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác tư pháp. Nhờ sự đồng lòng, nhất trí này mà năm 2013, công tác tư pháp đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tới thăm và làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội ngày 25/12/2013 |
Năm 2013 được đánh giá là năm “chuyển mình” trên nhiều lĩnh vực công tác tư pháp. Cùng với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các Sở Tư pháp, cơ quan THADS địa phương tích cực tham gia ý kiến vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có những vấn đề liên quan mật thiết với một số lĩnh vực quản lý của Ngành như: công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và bán đấu giá bất động sản. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013).
Tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong năm 2013 đã được các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt. Trong năm, các Bộ, cơ quan đã tham mưu cho Chính phủ trình 29 dự án luật, pháp lệnh; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 23 luật, pháp lệnh. Nhận thức và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã có nhiều chuyển biến.
Cũng trong năm 2013, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 8.941 dự thảo VBQPPL.Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2013 thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý đã được các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện, tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, đất đai, bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản và xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp đã kiểm soát chất lượng và công khai 12.009 hồ sơ thủ tục hành chính, hồ sơ văn bản trên Trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục đã công bố lên 111.626 hồ sơ thủ tục hành chính. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 và đang tích cực triển khai thực hiện.
Xác định việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2013, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai và danh mục Nghị định quy định chi tiết Luật XLVPHC, trong đó đã giảm mạnh số lượng nghị định cần phải ban hành từ gần 130 xuống còn 53 nghị định. Tính đến ngày 25/12/2013, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã trình Chính phủ ban hành 50 nghị định, đạt 94,34%.
Đặc biệt, năm 2013 Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật” 09/11 đầu tiên trong toàn quốc với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà cao điểm là Lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tạo được sức lan tỏa lớn, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời với việc khánh thành, đưa vào sử dụng Nhà A Đại học Luật Hà Nội, trụ sở Học viện Tư pháp đánh dấu bước ngoặt phát triển của Trường và Học viện.
Các mặt công tác khác như hành chính tư pháp, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm, bổ trợ tư pháp, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, trợ giúp pháp lý, pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật... đều đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2014 được xác định là năm “thể chế”
Năm 2014 được ngành Tư pháp xác định là năm “thể chế”, tập trung cao cho việc xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Toàn ngành cũng xác định tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, từng bước chuyển trọng tâm từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật với khâu đột phá là PBGDPL.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện tốt vai trò giúp Chính phủ, UBND các cấp quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; nâng cao chất lượng công tác THADS, hành chính, bảo đảm sự phát triển bền vững của công tác này; đồng thời đổi mới tư duy quản lý trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường biên chế, điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ...
Cũng trong năm 2014 này, ngành Tư pháp tiếp tục chủ trương hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ cơ sở nhằm thực hiện tốt vai trò cơ quan tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hành theo pháp luật các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Có thể khẳng định những nỗ lực, quyết tâm và những việc làm thiết thực của toàn ngành Tư pháp trong thời gian qua đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của địa phương, của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường, vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố; Ngành được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới. Tin rằng, năm 2014 sẽ tiếp tục là năm ngành Tư pháp khẳng định thương hiệu và vị trí của mình trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.
* Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Công tác tư pháp không chỉ là của Bộ Tư pháp
- Công tác tư pháp không chỉ là của Bộ Tư pháp mà còn là của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Bởi vậy,”Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác tư pháp, pháp chế; tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan trong việc tổ chức triển khai công tác tư pháp”.
(Trích Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013).
* Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Năm 2014 là năm tăng tốc thực hiện các đột phá chiến lược
- Năm 2014 là năm tăng tốc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, là năm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có cải cách thể chế. Trong bối cảnh đó, toàn Ngành quyết tâm triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, cũng là những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2014, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và về công tác tư pháp.
(Trích Thư Bộ trưởng gửi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp).