Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) - Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc thời gian tới, nhiều chuyên gia đã hiến kế các giải pháp đổi mới, đặc biệt nhấn mạnh việc truyền tải cần sự “dung dị, đơn giản, sâu sắc, dễ hiểu, giàu thông điệp, đúng cái đồng bào cần nghe, muốn nghe”.
Ngành VH,TT&DL có thế mạnh về việc lồng ghép các hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ vào công tác PBGDPL. (Ảnh minh họa)
Ngành VH,TT&DL có thế mạnh về việc lồng ghép các hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ vào công tác PBGDPL. (Ảnh minh họa)

Đưa chính sách vào cuộc sống đồng bào

Trong các Chương trình, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đều chú trọng nội dung chỉ đạo, hướng dẫn riêng về công tác này đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đơn cử, trong Kế hoạch PBGDPL ngành VH,TT&DL năm 2023 nêu rõ yêu cầu “ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, địa bàn cấp cơ sở, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL”. Theo đó, nhiệm vụ của các Sở VH,TT&DL, Sở VHTT, Sở DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng là ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, trong đó bao gồm dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ VH,TT&DL đóng góp ý kiến với việc tuyên truyền thông điệp pháp luật cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không tuyên truyền kiểu hàn lâm, thì sẽ đạt hiệu quả thiết thực. Việc PBGDPL có thể thông qua nhiều hình thức như việc sử dụng hương ước, quy ước hoặc các mô hình văn hoá như mô hình câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, câu lạc bộ bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian,…

Hoạt động PBGDPL đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số có thể tiếp cận các chính sách pháp luật của Trung ương và địa phương trong lĩnh vực ngành VH,TT&DL, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân. Ngành VH,TT&DL cũng có thể tận dụng thế mạnh là lồng ghép các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong hoạt động PBGDPL để người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân có thể tiếp cận các vấn đề pháp luật một cách gần gũi, giản đơn, thú vị hơn.

Đó là một trong những nội dung được khẳng định tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác PBGDPL về văn hoá, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc” do Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL, tổ chức mới đây tại Hà Nội. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL cho biết, về nội dung, hình thức PBGDPL bước đầu được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả hơn, hướng tới đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc, phát huy vai trò, đặc thù của hoạt động VH,TT&DL, nhất là lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Cụ thể, về nội dung, đã có sự chuyển hướng nội dung tập trung vào các vấn đề thời sự, vấn đề người dân quan tâm. Điển hình như Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VH,TT&DL” giai đoạn 2021 - 2025, hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư và tuyên truyền để việc xây dựng, thực hiện hương ước bảo đảm các quy định của pháp luật và phát huy vai trò trong đời sống xã hội...

Hình thức PBGDPL cũng chú trọng sự đa dạng, phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện thực tế như: tổ chức hội nghị, tập huấn, in tài liệu, cổ động trực quan, thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, pháp luật, thông tin bảo chí, cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị di động và môi trường mạng bảo đảm an ninh, tiết kiệm, hiệu quả.

Nhiều đổi mới để tăng hiệu quả

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhìn nhận những hạn chế của hoạt động PBGDPL. Đơn cử, có nơi, có lúc, hoạt động còn mang tính thời sự, nặng về phong trào, chưa gắn kết với thực tiễn, nhu cầu, thời điểm vùng đồng bào DTTS, biên giới phía Bắc; các hình thức PBGDPL theo hướng ứng dụng CNTT hiện đại cho người dân chưa được sử dụng hiệu quả; việc PBGDPL chưa linh hoạt tương ứng với trình độ dân trí, điều kiện địa lý ở các vùng miền, khu vực khác nhau,…

Thông qua đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến cho nhóm nghiên cứu đề tài để báo cáo Bộ VH,TT&DL có ý kiến tham mưu, đề xuất những chính sách phù hợp hơn đối với đời sống thực tiễn đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên biên giới phía Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển và trở thành phên dậu vững chắc của Tổ quốc.

Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL đề xuất cần xây dựng những thước phim, tiểu phẩm từ chính những câu chuyện thực tế của bà con để nội dung tuyên truyền gần gũi với đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc hơn. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích các hình thức PBGDPL dung dị, đơn giản nhưng sâu sắc và giàu thông điệp, các hình thức truyền thông là thế mạnh của ngành VH,TT&DL như ca nhạc, phim ảnh, nghệ thuật biểu diễn,…

Ông Sơn cũng nhấn mạnh những nhóm giải pháp đổi mới công tác PBGDPL về VH,TT&DL cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc thời gian tới sẽ bao gồm: giải pháp về đổi mới nội dung, giải pháp về đổi mới phương thức, giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PBGLPL và các giải pháp tổng hợp.

Đọc thêm