Ngành vận tải biển vượt khó đạt lợi nhuận 'khủng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19 và khủng hoảng năng lượng trên thế giới nhưng ngành vận tải biển Việt Nam vẫn có một năm làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận “khủng”.
Hai năm liên tiếp VIMC có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Hai năm liên tiếp VIMC có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

VIMC lãi hơn 3.000 tỷ đồng

Mặc dù đã cổ phần hoá, nhưng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vẫn là một “Tổng” do vốn Nhà nước chi phối khi chiếm trên 99%. Cách đây không lâu, “Tổng” này làm ăn bết bát, thua lỗ liên tục. Những năm gần đây, sau khi thực hiện tái cơ cấu mạnh, đổi cả tên viết tắt từ Vinalines sang VIMC, “Tổng” này đã từ lỗ triền miên sang lãi lớn, thậm chí lãi kỷ lục. Năm ngoái, VIMC lãi khoảng 3.700 tỷ đồng, năm 2022, VIMC lãi hơn 3.100 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo của VIMC, năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty ước đạt 15.041 tỷ đồng (đạt 120% kế hoạch). Trong đó, doanh thu khối vận tải biển ước đạt 4.619,7 tỷ đồng (tăng 50%), tương đương 1.544 tỷ đồng so với kế hoạch); Doanh thu khối cảng biển ước đạt 6.613 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch) và doanh thu khối dịch vụ hàng hải ước đạt 2.173 tỷ đồng (tăng 13%, tương đương 242 tỷ đồng so với kế hoạch). Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 3.129,5 tỷ đồng (đạt 124% so kế hoạch năm 2022).

Lý giải nguyên nhân có thêm một năm lãi “khủng”, lãnh đạo VIMC cho rằng, ngoài nguyên nhân thị trường vận tải biển phục hồi mạnh mẽ từ giữa năm 2021, thì nguyên nhân khác đến từ việc tái cơ cấu và cách quản trị của lãnh đạo “Tổng” này. “Tổng Công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp trong hoạt động quản lý, điều hành hiệu quả của công tác tái cơ cấu mạnh mẽ trong những năm gần đây; tăng cường các biện pháp để giảm chi phí, giảm thời gian dừng tàu, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh” - VIMC thông tin.

Về tình hình kinh doanh khối vận tải biển, VIMC cho biết, thị trường vận tải biển đối với cả nhóm tàu hàng khô, tàu container, tàu dầu năm 2022 về tổng thể là tương đối tốt so với những năm trước đây. Đặc biệt, thị trường tàu hàng khô và tàu container từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán ở mức tốt, dù thời gian từ quý III thị trường có suy giảm mạnh. Thị trường vận tải tàu dầu bắt đầu sôi động và tăng trưởng mạnh từ tháng 4/2022 đến nay và được xem là thời điểm sôi động nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo lãnh đạo VIMC, năm 2023, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Một doanh nghiệp vận tải biển có vốn Nhà nước chi phối khác lãi “khủng” trong năm 2022 là Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans). Doanh nghiệp này là đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Những năm qua PVTrans có bước phát triển mạnh mẽ, báo lãi liên tục. Năm 2022, đơn vị này có doanh thu ước đạt 9.150 tỷ đồng (141% kế hoạch); lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.094 tỷ đồng (228% kế hoạch); nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 481 tỷ đồng (196% kế hoạch); qua đó tiếp tục khẳng định được vị thế dẫn đầu tại thị trường vận tải biển trong nước.

Thách thức năm tới

Với các doanh nghiệp vận tải biển tư nhân, 2022 cũng là năm “ăn nên làm ra”. Theo Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, ước tính kết quả kinh doanh năm nay sẽ lập kỷ lục. Tổng doanh thu ước đạt 3.145 tỷ đồng, tăng 61% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 835 tỷ đồng, tăng hơn 50%. So với kế hoạch cả năm đã điều chỉnh, hai chỉ tiêu trên lần lượt vượt 32% và gần 52%.

Một số “ông lớn” khác của vận tải biển Việt Nam Công ty Cổ phần Gemadept, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco)… cũng báo lãi hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, hai năm qua, thị trường rất thuận lợi để vận tải biển phát triển. Năm tới, sẽ vẫn có những thuận lợi nhưng dự báo sẽ xuất hiện những rủi ro. Cụ thể, giá cước có thể giảm mạnh nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngoài ra theo dự báo, cuối năm nay và cả năm 2023, giá cước container trong xu hướng giảm. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh lạm phát cao. Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải container có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đọc thêm