Thành công dựng “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch bệnh
Là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại, trong vòng 50 năm qua, vaccine đã cứu sống gần 154 triệu người (tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm) trên toàn cầu. Tại Việt Nam, vaccine cũng đã bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi nhiều loại bệnh tật trong khoảng 40 năm qua thông qua Chương trình TCMR.
Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao, gồm: lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi. Sau một thời gian thí điểm, Chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng.
Từ năm 1985 tới nay toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR. Đồng thời, số lượng vaccine trong chương trình cũng đã được mở rộng, từ 6 loại vaccine thiết yếu ban đầu, giờ đây đã tăng lên hơn 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai triển khai trong Chương trình.
Từ thực tế và kinh nghiệm của Chương trình TCMR ở Việt Nam và các nước trên thế giới, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Minh chứng là kể từ khi thực hiện Chương trình TCMR, có trên 6,7 triệu trẻ em Việt Nam đã được bảo vệ khỏi nhiều loại bệnh tật. Không dừng lại ở đó, trong những năm qua, tỉ lệ tiêm chủng cao (trên 95%) còn góp phần giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ Việt Nam, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, Chương trình TCMR còn giúp Việt Nam thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối năm 1970, bại liệt vào năm 2000, uốn ván sơ sinh vào năm 2005, bệnh phong vào năm 2015 và tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới. Bên cạnh đó, theo thống kê của Chương trình TCMR, tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản B đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai Chương trình này.
Đánh giá về Chương trình TCMR tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: “Chương trình TCMR được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỉ lệ mắc và tử vong”. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Chương trình TCMR đã và đang nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam thông qua việc ban hành các văn bản quan trọng thể hiện sự ưu tiên trong công tác tiêm chủng như: Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 139/NQ-CP, Nghị quyết số 104/NQ-CP, Nghị định số 13/2024/NĐ-CP.
Có thể thấy, việc triển khai thành công Chương trình TCMR trong suốt thời gian qua đồng nghĩa với việc Việt Nam tạo ra một “lá chắn thép” vững chắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi tỉ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng đạt mức tối ưu, hiệu ứng miễn dịch cộng đồng sẽ được hình thành, ngăn chặn sự lây truyền bệnh tật do phần lớn dân số đã có miễn dịch. Nhờ đó, vừa bảo vệ gián tiếp những người yếu thế không đủ điều kiện tiêm chủng như trẻ sơ sinh, người có miễn dịch suy yếu, giảm áp lực cho hệ thống y tế, mà còn mở ra cơ hội có thể kiểm soát, loại trừ hoặc thanh toán hoàn toàn nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Cố gắng khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine
Nhận thấy những lợi ích to lớn do Chương trình TCMR mang lại, việc tiếp tục phát huy và kế thừa thành tựu của Chương trình là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong vài thập kỷ qua đang bị đe dọa khi dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam đã và đang bị gián đoạn từ cuối năm 2022 đến nay. Trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ cao mắc các bệnh nghiêm trọng. Ngoài ra, việc số lượng lớn trẻ em không được tiêm chủng có thể dẫn đến bùng phát các dịch bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
|
Bộ Y tế đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong Chương trình TCMR. (Ảnh minh họa - Nguồn: CTTCMR). |
Nguyên nhân của tình trạng này phần nào xuất phát từ các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19, dẫn đến sự gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ y tế, bao gồm cả tiêm chủng. Tình trạng tỉ lệ tiêm chủng trong Chương trình TCMR thấp đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong Luật Ngân sách nhà nước cũng là một yếu tố dẫn đến sự gián đoạn. Từ năm 2023, theo quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước, việc mua vaccine thuộc trách nhiệm của các địa phương với ngân sách địa phương. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí và phê duyệt kinh phí, thực hiện đấu thầu, phê duyệt giá cũng như thiếu kinh nghiệm tổ chức.
Trước những thách thức đã và đang diễn ra, ngay từ năm 2023, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong Chương trình TCMR. Cụ thể, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine; chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, trong nước; lập kế hoạch cung ứng vaccine trong năm 2024 kịp thời đảm bảo nguồn cung vaccine,…
Kết quả sau nhiều tháng “khan hiếm”, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện ký hợp đồng đặt hàng 10 loại vaccine. Nhờ đó, ngay từ đầu tháng 1/2024 đã có đủ 9 loại vaccine TCMR để phân bổ và chuyển đến các địa phương, số lượng này đủ để tiêm chủng bù mũi cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bước sang năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện những giải pháp phù hợp để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho Chương trình TCMR. Một trong những bước đi quan trọng là xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/2/2024, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về hoạt động tiêm chủng. Theo đó, ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình TCMR.
Song song với đó là việc hướng dẫn và chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu vaccine trên toàn quốc. Bộ cũng hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine sản xuất trong nước. Đồng thời chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21 triệu liều vaccine trên tổng số 25,5 triệu liều của 12 loại vaccine trong Chương trình TCMR từ các nguồn thu mua và viện trợ, sau đó phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương.
Ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch TCMR năm 2024. Trên cơ sở kế hoạch này, các địa phương và đơn vị đã xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine, tránh tình trạng gián đoạn. Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế, đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức triển khai các hoạt động tiêm chủng một cách hiệu quả.
Nhìn vào các hoạt động đã triển khai suốt thời gian qua, có thể thấy ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine, đồng thời duy trì và phát triển bền vững Chương trình TCMR. Những giải pháp kịp thời, quyết liệt được triển khai đã minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của ngành Y tế trong sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những nỗ lực của ngành Y tế trong việc đảm bảo cung ứng vaccine cho người dân được UNICEF, WHO và các đối tác công nhận. Tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024, bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quốc hội cũng như cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế trong năm vừa qua để giải quyết nguồn cung vaccine.