Đây là một phần trả lời của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải về việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua và trách nhiệm liên quan của Bộ Công thương trong quá trình thanh tra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6.
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Đối với tất cả các quốc gia, an ninh lương thực nói chung, mặt hàng gạo nói riêng hết sức được quan tâm, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong quý I/2020 vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, nghiêm trọng ở Việt Nam và toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, tình hình xuất khẩu gạo đã tác động đa chiều đến hoạt động xuất khẩu nói chung. Vì vậy, việc điều hành xuất khẩu gạo được Bộ Công thương đánh giá thường xuyên để tránh ảnh hưởng cân đối cung cầu cho xuất khẩu, cho tiêu thụ trong nước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu đạt gần 930 nghìn tấn, tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2019. Với đà này, 6 tháng đầu năm, nước ta có thể xuất khẩu 3,7 triệu tấn, tương ứng tăng 21% so với cùng kỳ.
Trong khi các quốc gia, bên cạnh nhu cầu lương thực thực phẩm gia tăng thì cũng tăng dự trữ chiến lược khiến giá gạo liên tục tăng. Việt Nam và Ấn Độ cùng được mùa, giá gạo liên tục tăng cao. Tuy nhiên, do khó xác định được diễn biến dịch bệnh Covid-19, tâm lý dự trữ của người dân, việc dự trữ gạo quốc gia cũng không thuận lợi nên chúng ta giãn tiến độ xuất khẩu để bảo đảm mục tiêu bình ổn giá, bảo đảm an ninh lương thực.
Nhưng qua khảo sát lại tình hình trong toàn quốc thì Bộ Công thương đã có báo cáo Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5. Vào cuối tháng 4, Chính phủ có quyết định cho xuất khẩu gạo lại mà không cần hạn ngạch.
Thứ trưởng Hải nhấn mạnh, đến giờ phút này vẫn cần quan tâm an ninh lương thực. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương có văn bản gửi các địa phương đề nghị đôn đốc mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5%, yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo phải ký thỏa thuận lưu thông gạo với ít nhất 1 siêu thị.
Đồng thời, địa phương phối hợp với Bộ Công thương xử phạt thương nhân vi phạm mức dự trữ lưu thông; Bộ cũng có công hàm trao đổi với các nước để trao đổi về khó khăn trong xuất khẩu gạo.
Hiểu rằng xuất khẩu gạo mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Thứ trưởng Hải khẳng định Bộ luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, thương nhân để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là với mặt hàng gạo có vị trí chiến lược trong an ninh lương thực.
Đáng chú ý với hoạt động thanh tra, Thứ trưởng Hải cho hay, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra và ngày 29/4 đã công bố đoàn thanh tra với thời gian 35 ngày làm việc. Như vậy, ngày 18/6 tới đây mới kết thúc cuộc thanh tra theo quy định, kết luận của đoàn sẽ được công bố rộng rãi và Bộ Công thương cam kết thực hiện đúng các kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói thêm, từ đầu năm đến nay, tình trạng xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời chỉ đạo các địa phương cấy/sạ sớm hơn nên chúng ta vẫn được mùa cả vụ Đông Xuân lẫn vụ Hè Thu.
Các số liệu báo cáo cho thấy, Việt Nam vẫn còn dư 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo và Thủ tướng cũng đề ra mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay đạt 7 triệu tấn gạo, cao hơn 400-500 nghìn tấn gạo so với năm 2019 nên vẫn cần tiếp tục nỗ lực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng chia sẻ với Bộ Công thương bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nước phong tỏa các phương tiện hàng không, đường biển… thì bảo đảm an ninh lương thực là rất quan trọng. Do vậy, ngày 23/3, Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu gạo, ngày 10/4 cho phép xuất khẩu gạo trở lại nhưng có quota và đến ngày 20/4 thì xuất khẩu gạo không cần quota.
Trên cơ sở đánh giá trữ lượng gạo thì việc điều hành xuất khẩu gạo trước lo ngại dịch bệnh là hoàn toàn đúng. Còn việc thanh tra mà phát hiện trục lợi thì sẽ xử lý theo quy định.