Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do TW Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại.
Tham dự hội nghị, dự kiến sẽ có khoảng hơn 400 đại biểu trong đó có hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.
Đại diện Ban Tổ chức- ông Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cho biết: “Chủ đề của hội nghị lần này nhằm tập trung vào việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhất là ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Hội nghị cũng là dịp để bà con nông dân bày tỏ, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc”.
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục những bất cập trước diễn biến của đại dịch Covid-19, phát huy sự sáng tạo của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bức xúc của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân và doanh nghiệp.
Theo Ban Tổ chức, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 (ngày 24/6/2020), Ban Tổ chức đã mở các kênh tiếp nhận để bạn đọc, bà con nông dân gửi câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ. Tính đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được hơn 1.500 câu hỏi khác nhau do bà con nông dân trực tiếp gửi; Hội Nông dân các cấp; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các phóng viên báo chí…
Dự kiến sau Hội nghị đối thoại lần thứ 3 này, nhiều chính sách lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, nhất là khu vực miền Trung- Tây Nguyên sẽ được Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung triển khai, xây dựng để cụ thể hóa vào thực tiễn đời sống.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do TƯ Hội Nông dân Việt Nam chủ trì và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt trực tiếp tổ chức thực hiện. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương với sự tham dự của 800 đại biểu, nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới”. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra nhiều đột phá về các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cả nước.
Nhiều chính sách đã được các Bộ, ngành triển khai thực hiện ngay sau hội nghị này như tháo gỡ, khó khăn vướng mắc về vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng hạn mức cho vay các hộ nông dân không cần thế chấp; mở rộng các đối tượng được hưởng vốn vay, hỗ trợ lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân; tháo gỡ khó khăn về đất đai, xây dựng các công cụ dự báo thị trường nông sản, tạo niềm tin và sự phấn khởi để nông dân hăng hái tham gia sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản.
Tại hội nghị đối thoại lần thứ 2 diễn ra vào tháng 12/2019 ở TP. Cần Thơ với sự tham dự của 600 đại biểu, nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lắng nghe những vấn đề nổi bật nhất, những khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn, vấn đề đầu tư cho hạ tầng ở khu vực ĐBSCL. Sau Hội nghị, Thủ tướng đã có ý kiến truyền đạt đến các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay việc thực hiện Nghị quyết 120 về ĐBSCL, vấn đề thúc đẩy liên kết 6 nhà, nâng cao năng lực dự báo, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nâng cao giá trị nông sản toàn vùng; Thủ tướng cũng chỉ đạo việc đưa thông tin thị trường giá cả, nông sản hàng ngày lên Báo điện tử Dân Việt- tờ báo điện tử chính thức của TW Hội Nông dân Việt Nam; Tập trung bố trí nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho toàn vùng; Tập trung chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn cho khu vực ĐBSCL…