Ngày khai giảng 'lần hai' sau bão lũ

(PLVN) - Chỉ chưa đầy một tuần sau ngày khai giảng 5/9, nhiều trường học ở miền Bắc phải cho học sinh tạm nghỉ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Sau khi cơn bão qua đi, các em học sinh được cắp sách quay lại trường. Buổi tựu trường lần hai để lại nhiều cảm xúc cho tất cả giáo viên, học sinh ở những vùng bị bão lũ quét qua.
Giáo viên, phụ huynh nhanh chóng dọn dẹp trường học sau bão. (Nguồn: Phòng GD&ĐT Bát Xát)

Nhà trường, phụ huynh sửa sang trường học

Cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam trong thời gian đầu tháng 9 vừa qua đã làm đình trệ mọi hoạt động, trong đó, các trường học phải tạm hoãn hoặc chuyển sang dạy online để đảm bảo an toàn cho học sinh. Sau khi bão qua đi, hàng trăm ngôi trường bị ngập úng, cơ sở vật chất hư hại, việc học sinh trở lại trường bị đình trệ từ một, hai ngày cho đến vài tuần.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tất cả các trường học đều nỗ lực, nhanh chóng tái thiết lập, xây dựng, sửa chữa, dọn dẹp trường học để đón các em học sinh trở lại sau bão. Như ở tỉnh Quảng Ninh, một trong các tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và mưa lớn gây ngập úng. Một số cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng như: THPT Cô Tô, Quan Lạn, Bãi Cháy và Trung tâm HN&GDTX tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi bão tan, cây cối trong trường bị gãy đổ, bùn đất bám chặt tại các cơ sở giáo dục bị nước lũ ngập sâu cản trở học sinh, giáo viên quay lại trường học. Không để việc học hành của các em chậm trễ, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại trường lớp, sớm đón trẻ em, học sinh, học viên đi học trở lại.

Tại Hải Phòng, các trường học bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão. Nhưng ngay khi mưa lớn qua đi, nhiều trường học tại Hải Phòng đã nhanh chóng rà soát, khắc phục hậu quả do bão lũ, sớm đón học sinh trở lại trường. Như ở Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) ngay sáng 9/9, sau khi cơn bão tan, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên được thông báo có mặt ở trường từ sớm, mặc trang phục bảo hộ lao động để thu dọn cành cây rơi, đổ, lau dọn bàn ghế, phòng học.

Ở các vùng cao, một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái,... chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Hàng trăm trường học bị tàn phá, bùn đất ứ đọng, nguy cơ sạt lở cao, gãy đổ cây cối, hư hỏng cơ sở vật chất. Tại Trường Tiểu học - THCS Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện. Sau khi mưa lũ rút, ngôi trường ngổn ngang, tan hoang.

Cô Phạm Thị Dịu, Hiệu phó của trường, chia sẻ thời điểm đỉnh lũ, có chỗ bị ngập đến cửa sổ tầng hai. Nước rút để lại lớp bùn đất dày ngang đầu gối. Công tác dọn dẹp tốn nhiều công sức, thời gian do sân trường thấp hơn mặt đường. Để học sinh sớm quay lại học tập, các giáo viên trong trường dành thời gian để thống kê thiệt hại sách vở, bàn ghế, dụng cụ học tập, nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt, nhà trường đã huy động phần lớn các thầy cô, phụ huynh, cùng sự hỗ trợ gần 80 quân nhân nạo vét bùn, dọn rửa trường sau khi nước lũ rút.

Được trở lại trường là niềm hạnh phúc vô bờ bến

Học sinh ở tỉnh Lào Cai trở lại trường học sau bão. (Nguồn: Vnexpress)

Sau khi các trường học được dọn dẹp sạch sẽ, giáo viên, phụ huynh và học sinh đều hạnh phúc khi quay lại trường học. Buổi tựu trường sau cơn bão lịch sử để lại trong lòng học sinh và thầy cô nhiều cảm xúc khó phai mờ. Nhiều học sinh cho biết, đối với các em đây giống như buổi khai giảng lần 2.

Tại tỉnh Yên Bái, trong những ngày đầu tiên mở cửa trường học, số học sinh đến trường rất thưa thớt, vì hộ gia đình vẫn ở trong vùng ngập úng. Tuy nhiên, số học sinh ngày càng tăng dần sau khi ảnh hưởng của bão lũ được khắc phục. Thầy Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên) cho biết, trường mở cửa từ ngày 16/9, trong hai ngày đầu tiên vắng 160 em, ngày tiếp theo, số học sinh vắng mặt giảm còn 93 em… Đến bây giờ, trường đã hoạt động trở lại bình thường. Thầy Xuân chia sẻ thêm, đối với các thầy cô, học sinh, việc được trở lại trường học là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn.

Hiện tại, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trở lại học tập bình thường. Thầy Vũ Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái (TP Yên Bái) - ngôi trường cuối cùng của tỉnh Yên Bái hoạt động trở lại sau bão số 3 chia sẻ, trong ngày đầu tiên đi học sau bão, trường đã đón 632 em học sinh vui vẻ quay lại lớp học. Tỷ lệ học sinh trở lại trong ngày đầu tiên sau khi khắc phục hậu quả mưa lũ là trên 98%.

Tỉnh Yên Bái cũng cho biết, vượt qua những khó khăn, mất mát do bão lũ gây ra với cố gắng cao nhất, các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường chịu thiệt hại nặng nề sau bão sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ niên học 2024 - 2025.

Bắc Kạn là một trong những địa phương ở miền núi phía Bắc hứng chịu thiệt hại do hoàn lưu bão số 3. Do đó, các trường học đã tổ chức đón học sinh trở lại trường muộn hơn so với mọi năm. Nằm trong tâm lũ, nhiều trường học tại Bắc Kạn bị đất đá, bùn lầy bao phủ, gây hư hỏng nặng nề. Mặc dù các trường đã cùng giáo viên, phụ huynh, Đoàn thanh niên cố gắng khắc phục thiệt hại sau bão, nhưng hiện nay, nhiều trường học vẫn chưa thể sử dụng hết khuân viên trong trường.

Đơn cử như Trường Mầm non Quảng Bạch (tỉnh Bắc Kạn), do mưa lũ lớn trong những ngày vừa qua, khối lượng đất đá dồn xuống làm sạt taluy nhà hai tầng phòng học, khu vực bếp nấu ăn của trường. Trong thời gian qua, mặc dù nhà trường đã nhanh chóng thu dọn để đón học sinh, nhưng vẫn còn nhiều nơi ngập trong bùn lầy và bị đất đá đè. Không để học sinh chậm trễ việc đến lớp, nhà trường đã sử dụng hết toàn bộ phòng học an toàn cho các em.

Cô Hoàng Thị Mến, Hiệu trưởng trường cho biết, trường có một điểm chính và hai điểm lẻ. Điểm chính của trường chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Trường đã xin ý kiến và được sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn và lãnh đạo UBND xã Quảng Bạch, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người, nhà trường đã di dời các lớp học, phòng làm việc, mượn nhà văn hoá cho các cháu được đến lớp học, ăn bán trú bình thường và nhà trường cũng yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Còn hai điểm lẻ không bị hư hại nhiều, các em học sinh đã học một ngày hai buổi như bình thường.

Còn đối với các em học sinh, phụ huynh Trường Mầm non Quảng Bạch, việc được trở lại trường học an toàn là một niềm vui rất lớn. Chính vì vậy, dù địa điểm học không thể đầy đủ cơ sở vật chất như trong trường, nhưng trên học sinh và giáo viên vẫn có những giờ học tràn đầy năng lượng.

Làm sao để 107 học sinh Làng Nủ nội trú tại trường?

Mặc dù hiện nay, đại đa số các trường học đều đã mở cửa đón học sinh trở lại sau cơn bão Yagi. Tuy nhiên, cơn bão đi qua khiến rất nhiều học sinh, giáo viên đã “mất trắng” toàn bộ giáo án, sách vở, dụng cụ học tập trong mưa bão. Việc các gia đình phải bỏ ra cả triệu, thậm chí chục triệu để mua sắm đồ dùng học tập cho các em cũng đang là một vấn đề nan giải. Đặc biệt, đối với những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, lại càng khó khăn hơn.

Hình ảnh THPT Đại Từ, Thái Nguyên trao tặng sách và đồ dùng học tập cho các trường ở tỉnh Yên Bái. (Nguồn: THPT Đại Từ)

Nhiều tỉnh, thành đã chủ động hỗ trợ các trường học và học sinh. Như tỉnh Quảng Ninh, thông qua kỳ họp chuyên đề vào ngày 23/9, HĐND tỉnh Quảng quyết định miễn toàn bộ học phí cho gần 244 nghìn trẻ mầm non, học sinh công lập từ lớp 1 đến 12 trong niên học này. Cụ thể, học sinh từ mầm non đến phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên được tỉnh hỗ trợ học phí trong 9 tháng của năm học 2024 - 2025. Với học sinh trường công, mức chi bằng 100% học phí. Với học sinh tiểu học, THCS tư thục, tỉnh hỗ trợ 15 nghìn - 60 nghìn đồng/tháng. Tổng số tiền tỉnh Quảng Ninh dự kiến trích ra để hỗ trợ miễn học phí vào khoảng 167 tỷ đồng.

Hiện tại, nhiều trường đã trở thành điểm tựa an toàn của các em học sinh. Như tại tỉnh Lào Cai, Làng Nủ là một trong những nơi chịu thương tổn nhiều nhất sau bão lũ. Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở số 1 Phúc Khánh cho biết, nhà trường đã quyết định đón 107 học sinh ở Làng Nủ đến học tập và ở nội trú dưới sự nuôi dạy và hướng dẫn của thầy, cô giáo.

Được biết, nhiều nơi ở thôn Làng Nủ vẫn chìm trong bùn đất, nguy cơ cao bị ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và nguy hiểm rình rập các em tại các điểm sạt lở trên đường đến điểm trường chính. Tuy nhiên, theo quy định, khoảng cách từ điểm trường chính đến Làng Nủ khoảng 5km, các em học sinh sẽ không được ở nội trú, vì vậy nhà trường mong muốn các cấp chính quyền xem xét tạo cơ chế đặc biệt để giúp đỡ các học sinh được hưởng các chế độ của Nhà nước, để các em có thể ở lại nhà trường, đảm bảo việc ăn, ở và học tập.

Để san sẻ thiệt hại với các trường học ở những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ. Một số trường học đã quyên góp, ủng hộ đa dạng các bộ sách giáo khoa. Tại tỉnh Yên Bái, sau khi bão lũ qua đi, hàng trăm học sinh thiếu sách học, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh ước tính thiếu khoảng 28.700 bộ sách các cấp. Trong thời gian qua, các trường ở tỉnh được nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Như Trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã phát động quyên góp và ủng hộ gần 5.000 cuốn sách giáo khoa cùng hơn 1.000 vở viết, 80 ba lô và các đồ dùng học tập khác cho các trường tỉnh Yên Bái.

Đọc thêm