Ngày mai, giá xăng có thể tăng

Trong kỳ điều hành ngày mai (2/1), giá xăng trong nước được dự báo tăng nhẹ từ 0,3-0,5% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ảnh minh họa

Ngày mai - 2/1 là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành đầu tiên của năm mới 2/1/2025, giá bán lẻ xăng dầu có xu hướng tăng nhẹ từ 0,3 - 0,5% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể có thể tăng nhẹ 0,3% lên mức 19.864 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể tăng nhẹ 0,4% lên mức 20.617 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có thể tăng nhẹ khoảng 0,5% đưa giá diesel lên mức 18.719 đồng/lít, dầu hỏa lên mức 18.789 đồng/lít và dầu mazut lên mức 16.043 đồng/kg. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Hiện, giá xăng dầu hôm nay 1/1 được điều chỉnh theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính ngày 26/12, theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 427 đồng/lít, không cao hơn 19.817 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 457 đồng/lít không cao hơn 20.547 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 103 đồng/lít, không cao hơn 18.630 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 260 đồng/lít, không cao hơn 18.708 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut tăng 67 đồng/kg, không cao hơn 15.970 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch sáng nay 1/1 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI đạt 71,86 USD/thùng, tăng 0,87 USD/thùng, tương đương 1,23%. Dầu Brent ở mức 74,83 USD/thùng, tăng 0,65 USD/thùng, tương đương 0,88%.

Giá dầu Brent và WTI đều có xu hướng phục hồi nhờ các yếu tố hỗ trợ như thời tiết lạnh hơn ở Hoa Kỳ và Châu Âu, tăng cường nhu cầu sưởi ấm, cùng với sản lượng kinh tế tại Trung Quốc được cải thiện nhẹ.

Tuy nhiên, trong cả năm 2024, giá dầu Brent giảm 3%, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung dồi dào từ Hoa Kỳ và các nhà sản xuất ngoài OPEC, cùng với nhu cầu suy yếu do kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và tình trạng thặng dư dầu mỏ kéo dài.

Theo các chuyên gia, thị trường dầu mỏ năm 2025 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động. Nguồn cung tăng mạnh: Hoa Kỳ dự kiến đạt sản lượng kỷ lục 13,52 triệu thùng/ngày trong năm tới. Nhu cầu phục hồi chậm: IEA và OPEC đều cắt giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ, đặc biệt từ Trung Quốc. Chính sách kinh tế: FED có thể cắt giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Nhìn chung, giá dầu năm 2025 có thể dao động quanh mức 70 USD/thùng, phụ thuộc vào các yếu tố cung-cầu và chính sách từ các quốc gia xuất khẩu lớn.