Ngày mới ở Leng Su Sìn

(PLO) - Không chỉ ở Leng Su Sìn mà ở cả Chung Chải, Sín Thầu, Sen Thượng và một số xã khác của huyện Mường Nhé, đâu đâu cũng thấy người ta trồng cây thuốc phiện. Cả vùng bạt ngàn cây thuốc phiện. “Của nhà trồng được” nên cả bản, cả xã ai nấy đều nghiện. Người nghiện nhiều như lá rừng...
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP tặng quà cho cán bộ, nhân dân xã Leng Su Sìn.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP tặng quà cho cán bộ, nhân dân xã Leng Su Sìn.

Chuyện bây giờ mới kể

Leng Su Sìn - theo tiếng của người Hà Nhì nghĩa là khe nước mát. Những người già ở bản nói rằng cái tên ấy đã có từ khi người Hà Nhì “rẽ mây” hạ sơn lập bản cạnh con suối Voi trong veo cách nay mấy thế hệ. Cả cái tên suối Voi cũng do dân bản đặt, vì ngày trước hàng đàn “ông tượng” từ trong rừng sâu thường kéo nhau ra suối uống nước, giẫm nát cả một vạt rừng. 

Ngoài suối Voi, ở Leng Su Sìn còn có cả suối Păng Pơi và dòng Mo Phí cũng chảy về, biến “khe nước mát” thành nơi đắc địa của một loài cây độc, đó là cây thuốc phiện. Dạo ấy cứ mười người đàn ông trong bản thì có đến chín người nghiện hút, còn ở nữ số lượng cũng không dưới 60%.

Con suối Mo Phí nhiều cá vô kể, vậy mà đàn bà không ai chịu giăng lưới. Cánh rừng già Mơ Pho thú rừng chen chúc, đàn ông không ai thèm săn. 

Leng Su Sìn oằn mình gánh chịu nỗi đau của thuốc phiện. Nhiều người ví Leng Su Sìn như cô sơn nữ ngủ trong rừng hoang lại chìm sâu hơn, mải miết hơn trong cơn mê dài của thuốc phiện. Thậm chí, kể cả Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn bây giờ là Sừng Sừng Khai ngày ấy cũng nghiện theo “truyền thống”.

Ông không giấu chuyện nhờ có Bộ đội Biên phòng (BĐBP) mà ông và nhiều người trong bản đã từ bỏ được “nàng tiên nâu”.

Ông nhớ lại, cách đây cũng khá lâu rồi, khi cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng (BP) Leng Su Sìn đến nhà và bảo rằng:“Hút thuốc phiện có hại lắm Sừng Khai à. Nó như con đỉa dưới suối hút máu trâu bò, làm cho người ta ốm yếu mà chết dần, chết mòn. Sừng Khai và bà con dân bản phải bỏ đi thôi.”

Sừng Khai liền hiểu ra và hưởng ứng tích cực nhất. Sừng Khai cõng mẹ mình lên Đồn BP Leng Su Sìn nhờ cán bộ quân y của đồn cai giúp còn mình tự cai ở nhà.

Cả tháng vật vã trong cơn thèm thuốc phiện, cuối cùng ông đã thắng chính mình. Rồi ông đi khắp bản trên, bản dưới trong xã để chỉ cho mọi người cách rời bỏ “con ma thuốc phiện”.

Trở lại chăm chỉ làm ăn, Sừng Khai trở thành một trong những người làm nương, nuôi bò giỏi nhất vùng, được đi học bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, sau trở thành Trưởng Công an xã Sín Thầu.

 Tháng 4/2009, xã mới Leng Su Sìn được thành lập, Sừng Sừng Khai được tín nhiệm đưa về làm Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Đảng ủy xã và khi có cán bộ ở trên điều về tăng cường giữ chức Chủ tịch xã thì ông đã chuyển hẳn sang làm Bí thư Đảng ủy xã.

Không chỉ riêng Sừng Khai, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn BP Leng Su Sìn còn đến từng nhà vận động người dân nhổ cây thuốc phiện, trồng lúa, trồng ngô. Bên cạnh đó, các anh còn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bón phân, làm cỏ…

Những vụ lúa sau đó, người dân xã Leng Su Sìn liên tục trúng mùa, không những đủ thóc gạo ăn cho cả năm mà còn dư dả bán cho bà con ở những bản xa xôi khác. Khi người dân đã từ bỏ việc phá rừng làm nương, quen với cây lúa nước thì cũng là lúc bà con chấm dứt hoàn toàn trồng cây thuốc phiện. Số người nghiện giảm dần. 

Ngày mới ở “khe nước mát”

Sau khi chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành 2 tỉnh: Điện Biên và Lai Châu, tháng 8/2009, xã Leng Su Sìn được thành lập. Những ai đã từng đặt chân đến đây vài chục năm trước nay có dịp trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” ở vùng đất này.

Đặc biệt, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đời sống của đồng bào các dân tộc trên các xã biên giới nói chung và xã Leng Su Sìn nói riêng đã không ngừng được cải thiện; đói nghèo, lạc hậu từng bước được đẩy lùi; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố vững chắc, an ninh quốc phòng được giữ vững và ổn định.

Có được kết quả trên có một phần lớn công đóng góp của những người cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh.

Thiếu tá Nguyễn Đình Lập, cán bộ tăng cường của Đồn BP Leng Su Sìn giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên bà con các dân tộc trong xã.
Thiếu tá Nguyễn Đình Lập, cán bộ tăng cường của Đồn BP Leng Su Sìn giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên bà con các dân tộc trong xã.

Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP do Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP dẫn đầu với đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã Leng Su Sìn, tôi tình cờ gặp Thiếu tá Nguyễn Đình Lập, cán bộ tăng cường của Đồn BP Leng Su Sìn giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã. Anh được biết đến như một cán bộ xung kích trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu cho bà con địa phương.

Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đình Lập cho biết, xã Leng Su Sìn có 5 bản với hơn 3000 khẩu, trong đó có 4 bản là người Hà Nhì và một bản người Mông. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 92%. Những ngày đầu Leng Su Sìn được thành lập, khó khăn trăm bề. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị hoạt động kém hiệu quả, kinh tế chậm phát triển, văn hóa, quốc phòng – an ninh ít được chú trọng.

Không chịu lùi bước trước khó khăn, thách thức, Thiếu tá Nguyễn Đình Lập đã tham mưu với lãnh đạo địa phương họp nhân dân thảo luận, xây dựng hương ước, quy ước; xây dựng nghị quyết, quy chế làm việc của chi bộ, phát huy sức mạnh nhân dân, công khai các chính sách quỹ, vốn để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Ngoài việc tham mưu xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, Thiếu tá Lập còn tham mưu hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

Từ một chi bộ Đảng khi mới chia tách thành lập, đến nay, Leng Su Sìn đã thành lập được Đảng bộ với gần 40 đảng viên, 3 chi bộ trực thuộc. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân xã Leng Su Sìn ghi nhận những đóng góp tích cực của Thiếu tá Nguyễn Đình Lập trong hàng loạt các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao đang được triển khai tại địa phương, như:

Mô hình trồng cà phê, ngô; đặc biệt là mô hình trồng lúa nước 2 vụ, ở xã Leng Su Sìn hiện đã có hơn 30ha diện tích lúa ruộng được trồng 2 vụ ăn chắc với năng suất đạt trung bình trên 40 tạ/ha; gần 100ha cà phê phát triển ổn định, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập bền vững cho nhân dân.

Với những việc làm thiết thực của mình, Thiếu tá Nguyễn Đình Lập được nhiều dòng họ lớn của đồng bào Hà Nhì muốn nhận anh vào dòng họ…

Bên cạnh những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP thì phải kể đến sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Leng Su Sìn trong việc vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần cho nhân dân địa phương.

Ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn cho biết, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Leng Su Sìn chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Ban Văn hóa xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức đoàn thể, chính quyền thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Theo đó, các hộ đăng ký phấn đấu xây dựng Gia đình văn hóa, bản đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu Bản văn hóa. Các thành viên của Ban Chỉ đạo đã tuyên truyền, phổ biến tới hộ dân, hội viên các tổ chức đoàn thể các nội dung: các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3; thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang lễ; con cháu không mắc tệ nạn ma túy, mại dâm; kết hôn đúng tuổi theo quy định của pháp luật, có giấy đăng ký kết hôn; vợ chồng, anh em không đánh, cãi chửi nhau; vệ sinh thôn bản, các gia đình phải có công trình vệ sinh... 

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: trang phục, lễ hội, văn nghệ dân tộc, ẩm thực... Hàng năm, Ban Văn hóa xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao vào các dịp lễ, Tết, những sự kiện chính trị lớn của tỉnh, của đất nước.

Tại Bản văn hóa Suối Voi, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ dân tộc Hà Nhì hiện nay đã biết làm chuồng cho gia súc, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, có công trình vệ sinh. Các hộ đẩy mạnh phong trào khuyến học, bài trừ hủ tục, thi đua phát triển kinh tế. Nhân dân các bản cùng với cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Leng Su Sìn tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh chính trị.

Đọc thêm