Cuối tháng 2/2015, biên giới vào mùa hoa. Cái lạnh vùng cao Tây Bắc tê tái, nhưng nhóm phóng viên chúng tôi lại nóng lòng tìm về "cung đường tơ lụa" ma túy Pa Hốc - Ca Hâu - Na Ư, những cái tên đã trở nên nổi tiếng... bất đắc dĩ.
Tây Trang, Na Ư… những cái tên những tưởng đã đi vào ký ức cần phải lãng quên với vụ án Xiêng Phênh – Vũ Xuân Trường, đón chúng tôi với chặng đường mờ mịt bụi, bởi những chuyến xe tải hạng nặng chở đá từ mỏ khai thác về xuôi cày xới đêm ngày.
Trực tiếp Đại tá Lê Quang Đán (Trưởng phòng Ma túy, Bộ Chỉ huy Biên phòng Điện Biên (BPĐB)) cầm lái đưa chúng tôi vào Na Ư. Cái bản bé tý nằm lọt giữa thung lũng hẹp, dân số ít, nhưng nổi tiếng với sự tàn bạo về ma túy, từng mai phục bắn chết cả trinh sát ma túy của Công an tỉnh Điện Biên đón chúng tôi không còn với sự dè dặt những năm về trước.
Năm 2009, chúng tôi có cơ duyên được quen biết với Lê Quang Đán trong một chuyến công tác xuyên dọc dải đất Tây Bắc. Người to như con gấu rừng miền cao, anh Đán dẫn chúng tôi vào đồn biên phòng Pa Thơm, trong một chuyến đánh án đã đến giờ "cất vó". Xe đi từ chiều, đêm xuống lạnh tê tái, nhưng gần như không có ai ngủ được, bởi ngoài rừng trinh sát đang "giăng lưới".
Đêm khuya lạnh, được anh kể cho nghe những khó khăn, gian nan của những người lính biên phòng đang ngày đêm làm nhiệm vụ ngăn "thú độc" vùng biên.
4h chiều hôm sau, một đoàn người lúi húi xuống núi, cáng theo một đối tượng bỏ chạy bị gãy chân, và một đống heroin tang vật. Trời đất vùng cao rất lạ, đêm lạnh ngày nóng ran người. Khi nhìn thấy đồng đội về đầy đủ, an toàn, lúc đó mọi người mới thanh thản ăn xong bát mỳ tôm lót dạ.
Nhóm phóng viên trên đường tác nghiệp. |
7 năm sau, chúng tôi mới có dịp gặp lại Lê Quang Đán, dù cũng từng có vài lần đi vội lên Điện Biên. 10 năm, anh là Trưởng phòng ma túy; cũng 10 năm, anh gắn bó với "cung đường tơ lụa" trên dải đất biên cương xa xôi này.
Ngày 30/4/2013, từ 12h đến 16h30’, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Cục Hải quan Điện Biên và lực lượng an ninh tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) tiến hành khám xét khẩn cấp nhà 3 đối tượng tội phạm ma túy tại bản Pa Hốc, huyện Mường Mày (tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào).
Kết quả, cơ quan điều tra hai nước đã thu giữ số lượng ma túy, vũ khí và tài sản có liên quan trị giá trên 30 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay. Đại tá Lê Quang Đán là người trực tiếp chỉ huy chuyên án đặc biệt này.
Ban chuyên án thu 34 bánh Heroin đã ép xong; 15,3kg bột heroin (tương đương 75 bánh heroin); 64,5kg chất phụ gia dùng chế ép ma túy.
Tại xưởng này còn thu được 8 kích loại 50 tấn, 1 kích loại 100 tấn, 4 bộ khuôn ép ma túy, 7 máy xay Heroin.
Ngoài 1 máy đếm tiền, thu tại chỗ 453.450 USD (tương đương 10 tỷ đồng VN), 390.000 tiền bạt Thái Lan; 19 cây vàng, 7 xe ô tô (3 chiếc Prado, 4 chiếc bán tải). Xưởng sản xuất ma túy này chứa khoảng 200kg gồm lô gô, giấy chống ẩm, túi ni lông chuyên dùng đóng gói ma túy.
Vũ khí thu được gồm 5 khẩu súng các loại, 28kg thuốc nổ, 672 kíp nổ, 183 viên đạn K56, 45 viên đạn súng tạt ma và 1.170 viên đạn súng thể thao.
Tin đưa về chiến công này đã nhiều, nhưng để mục sở thị hiện trường thì cũng chưa có nhiều nhà báo tới nơi. Quyết định liều lĩnh của chúng tôi được anh Đán ủng hộ, với điều kiện "để anh đưa vào". Chuyến đi thành công ngoài tưởng tượng, loạt bài lên trang cũng là lúc những bí mật của chuyên án được báo PLVN đưa độc quyền. 7 năm không gặp, nhưng anh vẫn lưu số máy, nghe điện thoại là đã bảo ngay: "Chú lâu lắm rồi không lên đây sao?".
Lính vùng biên còn nhiều khó khăn, nhưng đặc biệt nhiệt tình, ngoài công việc hỗ trợ tối đa thì rượu cũng "nhiệt tình" chẳng kém. Tôi không uống được nhiều rượu, đi vùng cao chuyến này lại có thêm cậu phóng viên cùng cơ quan rất trẻ, những tưởng trông cậy được cái khoản nâng ly thay, hóa ra cậu ấy lại còn "nguy hiểm" hơn tôi, uống vào là ngộ độc.
Phóng viên trẻ, gặp lính biên cương lại nhiệt tình. Đêm đầu tiên lên trại giam Nà Tấu, cậu phóng viên "nhiệt tình" tới mức từ 12h30' đêm tới 5h sáng, chúng tôi phải thức trắng đêm bê chậu và nấu nước cho cậu em rửa ruột, dù đã dặn trước "mấy anh em quản giáo vùng cao nhiệt tình lắm đấy".
Lên tới Tây Trang, xong việc lại "chúc mừng sức khỏe", ấy vậy mà cũng lại nhiệt tình "anh để em". Cái tình gắn bó của vùng cao "em nâng chén rượu đầy/ rượu từ tay em nấu/ men rượu từ lá rừng" khiến những người miền xuôi lên với Tây Bắc khó từ chối là vậy.
Về tới Hà Nội mấy hôm đã lại "em đi xong chuyến này là lên "đô" anh ạ. Lại thấy nhớ Tây Bắc rồi".
Phóng viên trẻ đang tác nghiệp. |
Nguy hiểm, "một chữ có thể cứu người, một chữ cũng có thể hại người", tôi vẫn thường dặn những đồng nghiệp trẻ của mình như vậy. Nhưng nghề nghiệp này cho chúng tôi cơ hội đi nhiều, nhìn lắm.
Nick Út, cùng với Barbara Gluck, từng là những phóng viên ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, năm 2005, khi tới Hà Nội, từng nói đầy ẩn ý về nghề nghiệp mà Barbara chọn lựa: "Nick và tôi, bốn mắt nhìn thế giới nên đã thấy quá nhiều".
Cảm giác của khám phá, trải nghiệm cuộc sống, luôn phải học để đổi mới mình liên tục, phải chăng là hấp lực của nghề đưa tin, mà những phóng viên luôn ganh đua để luôn là người đến sớm nhất và rời khỏi hiện trường muộn nhất.
Nghề làm báo, cũng có đầy cạm bẫy dọc đường đi./.