Bộ luật Lao động 2012 đã bổ sung trường hợp những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định mà thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong một ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút và tính vào giờ làm việc.
Đồng thời, Bộ luật này cũng đã bổ sung thêm 01 ngày nghỉ tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm là 10 ngày và quy định mở rộng các trường hợp được nghỉ không hưởng lương của người lao động như: khi ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Nhìn chung, các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đã quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động trong quan hệ lao động để làm việc được lâu dài, có lợi cho cả hai bên, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của lao động.
Linh hoạt giờ làm việc theo nhu cầu doanh nghiệp
Đánh giá 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động, Bộ LĐTBXH đề nghị sửa lại quy định tại khoản 2 Điều 104 về thời giờ làm việc theo hướng “Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần theo hướng dẫn của Chính phủ” vì quy định như hiện hành gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, không tạo được sự linh hoạt cho DN.
Trên thực tế, một số DN đã xin làm việc theo phương án 12 giờ/ngày, 1 tuần làm 04 ngày, như trường hợp tập đoàn Intel ở thành phố Hồ Chí Minh. Phương án này cũng là phương án làm việc mà hiện nay tập đoàn đang áp dụng phương án này ở một số nước trong khu vực.
Do thực tế hiện nay dịch vụ trông trẻ ban đêm chưa được thiết lập phù hợp, bộ này cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định “Người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi có quyền từ chối làm việc ban đêm” vào Bộ luật Lao động.
Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng đề nghị tăng số giờ làm thêm trong một năm (có thể xem xét quy định về làm thêm giờ tối đa trong ngày, trong tuần) để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập.
Quy định rõ lương trả cho ngày nghỉ
Bộ LĐTBXH cũng đề nghị quy định rõ ràng về nghỉ giữa ca được nêu tại khoản 1 Điều 108 Bộ luật Lao động, bởi bản chất nghỉ giữa ca là để bảo đảm sức khỏe, vì vậy hầu hết các quốc gia đều quy định thời gian nghỉ này sau một số giờ làm việc nhất định và không bắt buộc tính vào giờ làm việc.
Liên quan đến quy định “nghỉ hàng tuần” tại Điều 110, khoản 2 “Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động” được đề nghị sửa lại “ngày cố định khác trong tuần” bằng “ngày xác định khác trong tuần” để đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn tổ chức lao động theo ca có chu kỳ đảo ca không phải là 7 ngày. Ví dụ làm 4 ngày nghỉ 2 ngày sau đó làm 4 ngày nghỉ 2 ngày lặp lại; có ngày nghỉ tuần đầu là thứ 6,7; tuần sau là thứ 5,6…
Bộ luật Lao động cũng phải được quy định rõ thời hạn thông báo trước cho người lao động về lịch nghỉ hàng năm để người lao động chủ động hơn với lịch nghỉ của mình. “Đề nghị quy định rõ tiền lương trả cho người lao động những ngày nghỉ hàng năm nhưng chưa nghỉ được tính theo mức lương nào? Lương thực tế hay lương hợp đồng?” – Bộ LĐTBXH đề nghị.
Hiện nay, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết bao gồm: Tết Dương lịch (01 ngày), Tết Âm lịch (05 ngày); Ngày Chiến thắng 30/4 (1 ngày), Ngày Quốc tế lao động 1/5 (1 ngày), Ngày Quốc khánh 2/9 (1 ngày), Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch (1 ngày). “Đề nghị cân nhắc xem xét bổ sung ngày kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 hàng năm vào ngày nghỉ lễ quốc gia. Ngoài ra, đề nghị có hướng dẫn cụ thể 5 ngày Tết âm lịch là những ngày nào” – Bộ LĐTBXH đề xuất.